Tiki và những nước rút kỳ diệu

PGS.TS Lê Trọng Vĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2010, khởi đầu là một trang bán sách trực tuyến với số vốn vỏn vẹn 5.000 USD, đến nay Tiki đã trở thành sàn thương mại điện tử lọt top 2 tại Việt Nam và top 6 tại khu vực Đông Nam Á. Điều gì khiến cho DN Việt này có những bước chạy nước rút kỳ diệu như vậy?

Tạo hệ sinh thái thương mại
Tiki là từ viết tắt của Tiết kiệm và Tìm kiếm, rất đơn giản và dễ nhớ. Ban đầu, Tiki hoạt động theo mô hình B2C (DN với khách hàng) là một trong bốn loại thương mại điện tử, cùng với B2B (DN với DN), C2B (khách hàng với DN) và C2C (khách hàng với khách hàng). Trong số 4 mô hình, B2C được biết đến nhiều nhất, điểm nổi bật là Tiki luôn thực hiện những quy định dành cho người bán hàng khá nghiêm ngặt; bên bán hàng phải cung cấp được giấy phép kinh doanh, chứng minh được nguồn gốc sản phẩm.

Sàn thương mại điện tử www.tiki.vn là nơi để các nhà bán hàng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử. Tiki đã nhanh chóng khép kín quy trình khai thác, bán hàng, giao nhận, hậu bán hàng khá tốt bằng cách lập ra các công ty con như: Công ty TNHH Tikinow Smart Logistics ("TNSL") là đơn vị cung cấp các dịch vụ logistics đầu - cuối, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ bưu chính; Công ty TNHH MTV Thương mại Ti Ki ("Tiki Trading") là đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử: Đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn Giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm từ 16 ngành hàng phục vụ hàng triệu khách hàng trên toàn quốc.
 Nhân viên giao hàng của Tiki kiểm hàng tại kho. Ảnh: Hồng Phúc
Năm 2014, Tiki đã được bình chọn là “trang web thương mại điện tử được nhiều người ưa chuộng nhất”. Sách, văn phòng phẩm, quà tặng vẫn là một sản phẩm “nhận diện” tốt cho thương hiệu của Tiki và đối với người tiêu dùng hiện nay. Khi mua sách online người tiêu dùng ngay lập tức sẽ lựa chọn Tiki nhưng đến nay thương hiệu này đã tiến sang: Điện thoại – máy tính bảng; điện tử - điện lạnh; thiết bị số - phụ kiện số; laptop - thiết bị IT; máy ảnh - quay phim; điện gia dụng; nhà cửa đời sống; hàng tiêu dùng - thực phẩm; đồ chơi - mẹ và bé; làm đẹp - sức khỏe; thời trang - phụ kiện; thể thao - dã ngoại; xe máy, ô tô, xe đạp...

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn (sinh năm 1981) cho rằng chỉ còn triết lý kinh doanh “Tất cả vì khách hàng” là bất di, bất dịch còn lại, Tiki liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh tùy sự biến động của thị trường. Năm 2012, Tiki đã mở rộng lên 12 ngành hàng với 300.000 sản phẩm và bắt đầu xây dựng kho chứa đầu tiên. Ông chủ là thạc sĩ ngành thương mại điện tử tại Đại học New South Wales, Úc đã lập tức có chuỗi hoạt động kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để mở rộng kinh doanh.

Chuỗi gọi vốn ngoạn mục

Tháng 3/2012, Tiki đã nhận được sự đầu tư 500.000 nghìn USD của Soichi Tajima - Chủ tịch và CEO của Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Inc. Nhờ vậy, tới tháng 8/2012, Tiki của ông chủ Trần Ngọc Thái Sơn đã có 80 nhân viên, văn phòng, kho chứa và phát triển thành nhà sách trực tuyến số 1 tại Việt Nam. Năm 2013, Tiki tiếp tục nhận được sự đầu tư của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và ký kết trở thành đối tác chiến lược.

Tham vọng của ông chủ đã từng làm ở các vị trí như Giám đốc Marketing cho Vinabook và Quản lý điều hành ở Vega không dừng lại đấy. Sau khi cân đong, đo đếm năm 2016, Tiki bán 38% cổ phần cho VNG để nhận 17 triệu USD để phát triển hệ thống phần mềm, công nghệ. Năm 2018, Tiki tiếp tục nhận được sự đầu tư của Công ty JDar Inc của Trung Quốc (25,65% cổ phần) 44 triệu USD (năm 2017) và Công ty SparkLab Ventures trị giá 50 triệu USD (2018) để giúp củng cố sự hiện diện của Tiki trên thị trường khu vực.

Trong năm 2018, Tiki quyết định mở rộng thị trường từ mô hình B2C sang C2C để cạnh tranh quyết liệt với các sàn thương mại khác như Shopee, Lazada VN, Thế giới di động, Sen Đỏ, Điện máy xanh, FPT shop, A đây rồi, Tiki đã tốn hàng triệu USD cho các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, xây dựng hệ thống kho tàng, tuyển dụng, đào tạo lại nhân sự của hệ thống. Tiki lấn sân sang phim ảnh, âm nhạc và phát triển ứng dụng và để lại con số lỗ 32 triệu USD.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn quan điểm khởi nghiệp như khởi nghĩa, khi đã đứng dậy phất cờ, có đủ “súng, đạn” (vốn) xác định đúng mục tiêu là bắn, không tiếc đạn. Với sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm, Tiki đã chiếm thị phần lớn trong thị trường thương mại điện tử còn mới mẻ. Tiki luôn phân tích và hướng tới nhu cầu khách hàng, để liên tục thay đổi mình nhằm tương tác tốt với khách hàng. Các chiến lược khuyến mãi, truyền thông của Tiki đủ mạnh để khách hàng nhận biết về thương hiệu và sản phẩm. Đặc biệt dự án “Tiki đi cùng sao Việt” đồng hành cùng những sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực, nổi bật là âm nhạc đã tạo ra hiệu quả truyền thông lớn đối với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.

Tự hào thương hiệu Việt

Tháng 10/2018, Tiki đã bất ngờ leo lên vị trí thứ hai toàn quốc về số lượt truy cập website trung bình. Theo số liệu thống kê năm 2018, số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt 8,06 tỷ USD với mức tăng trưởng tới 30%, mức tăng trưởng lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Cú tính toán “nước rút” (chấp nhận lỗ nặng) đúng thời điểm của doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn tại thời điểm này sẽ còn được các nhà nghiên cứu sàn thương mại điện tử đưa vào sách giáo khoa.

Với chính sách bán hàng đúng với tâm lý mua sắm của người Việt, Tiki đã tạo được niềm tin cho khách hàng và là một trong những lựa chọn hàng đầu của khách hàng khi mua sắm trực tuyến. Một số con số ấn tượng mà Tiki đã đạt được là có 85% khách hàng hài lòng với chất lượng và dịch vụ của Tiki. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành công của Tiki.

Chính sách đổi trả hàng theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua. Với 400.000 lượt khách mua hàng tại Tiki hàng tháng, tỷ lệ đổi trả hàng chỉ là 0,95%. Tiki đảm bảo sản phẩm được bán tại Tiki là sản phẩm mới và 100% chính hãng. Trong trường hợp hiếm hoi sản phẩm quý khách nhận được có khiếm khuyết, hư hỏng hoặc không như mô tả, Tiki cam kết bảo vệ khách hàng bằng chính sách đổi trả và bảo hành.

Bạn Thảo Chi, một khách hàng quen thuộc của Tiki cho biết, ngoại trừ ngành hàng: Thực phẩm tươi sống như: Thịt, hải sản, rau củ, trái cây, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn, bơ sữa và trứng là không áp dụng chính sách đổi trả, Tiki đang duy trì chính sách đổi trả không chỉ đối với lỗi của nhà cung cấp, lỗi của người sử dụng và cả sản phẩm không lỗi.

Ngoài việc cam kết về chất lượng hàng hóa, Tiki đã xây dựng mạng lưới phân phối rộng lớn, nhanh chóng, độc đáo (USP) đảm bảo dịch vụ giao hàng nhanh với thời gian giao hàng trung bình toàn quốc chỉ 1,6 ngày. Tại các quận nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khách hàng có thể nhận sản phẩm trong 2 giờ. Không ngừng nỗ lực hoàn thiện các khâu logistic, trong năm 2018, Tiki cũng đầu tư rất nhiều nguồn lực vào việc mở rộng các kho hàng tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Cần Thơ. Đến nay, Tiki đã có kho hàng tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong.

Điều mà nhiều người tiêu dùng tin dùng Tiki chính là chính sách tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng và cam kết bảo mật thông tin cá nhân khi mua sắm tại sàn giao dịch thương mại điện tử tiki.vn. Không phải chỉ có giá cạnh tranh, khách hàng của Tiki được hỗ trợ dịch vụ lắp đặt, hậu mãi, khuyến mãi. Đối với các DN, điều khiến họ lựa chọn sàn thương mại điện tử Tiki làm địa chỉ bán hàng đó chính là số lượng khách hàng với trung bình hơn 100 triệu lượt khách hàng truy cập vào địa chỉ này mỗi tháng. Khi bán hàng trực tuyến trên Tiki, DN sẽ được lực lượng hỗ trợ, tư vấn bán hàng, các tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7. Chỉ cần 3 bước thủ tục rất đơn giản là DN đã có “gian hàng ảo” trên sàn thương mại điện tử tiki.vn.