Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm “bà đỡ” cho sinh viên khởi nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi nghiệp là ước mơ của nhiều sinh viên. Tuy nhiên, để biến ước mơ đó thành hiện thực thì cần cả một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm và đặc biệt không thể thiếu vai trò “bà đỡ” từ phía nhà trường, cũng như nhà đầu tư.

Không có gì ngoài ý tưởng
Phong trào khởi nghiệp trong sinh viên đã lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên trên thực tế, có ý tưởng hay, độc đáo, sáng tạo nhưng khi bắt tay vào thực hiện, hầu hết sinh viên đều gặp khó khăn, lúng túng vì thiếu thốn đủ bề. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu hụt nguồn vốn, bên cạnh đó là kỹ năng quản lý, tiếp cận thị trường…

Có ý tưởng sản xuất ra chiếc kính thông minh cho người khiếm thị nhưng Lê Nhật Hưng, sinh viên trường Đại học Duy Tân loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Theo Hưng, hiện nay trên thế giới có hơn 300.000 người bị khiếm thị hoặc mắc các bệnh có liên quan đến mắt. Những người thuộc đối tượng này rất khó làm những việc bình thường như đọc sách, di chuyển và nhận dạng đồ vật. Do đó, kính thông minh sẽ giúp người khiếm thị có thể hòa nhập được cuộc sống như những người bình thường. “Để biến ý tưởng thành sản phẩm là cả một quá trình dài, vì ngoài ý tưởng, chúng em không có gì khác” – Hưng bộc bạch.
Gian hàng trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên tại cuộc thi khởi nghiệp Quốc gia dành cho học sinh, sinh viên năm 2020. Ảnh: Phương Nga
Cũng trăn trở với một dự án tạo tác động xã hội, Nguyễn Diệu Linh, một tân cử nhân ngành Luật ấp ủ ý tưởng tận dụng phụ phẩm của cây chuối để làm hộp, khay, đĩa… thay thế sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn dùng một lần. Mặc dù ý tưởng có từ năm 2017 nhưng mãi đến năm 2019, Linh mới có thể hiện thực hóa nhờ vào một khoản vốn đến từ nhà đầu tư và giải thưởng tham gia cuộc thi khởi nghiệp. Tuy đã giải quyết được bài toán về vốn nhưng khi đã có sản phẩm, việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại là bài toán khó đối với một sinh viên mới ra trường như Linh.

Nhìn nhận việc khởi nghiệp không hề dễ dàng, đặc biệt với sinh viên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Hằng cho rằng, với sinh viên, trường học vừa là nơi truyền thụ kiến thức và là nơi gieo mầm những sáng tạo, những khát vọng thành công cho các em và đồng hành cùng các em trên hành trình ấy. Trước khi thành công, sinh viên khởi nghiệp chắc chắn sẽ gặp vô số thử thách và khó khăn. Nhưng quan trọng là các em cần phân biệt được thử thách nào để vượt qua và chướng ngại nào nên tránh đi. Ý tưởng tốt nhưng không đủ khát khao, kiên trì, sinh viên khởi nghiệp chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Học cách đứng trên vai “người khổng lồ"

Là một trong số ít người khởi nghiệp thành công khi còn là sinh viên, nhà sáng lập startup Rada Hoàng Mã Hải chia sẻ, các bạn sinh viên hôm nay có nhiều cơ hội để khởi nghiệp thành công bởi chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi nghiệp, trước hết là các bạn trẻ hãy tận dụng tốt những dự án, những cuộc thi khởi nghiệp để nhanh chóng bù đắp những thiếu sót, lắng nghe những cố vấn là các doanh nhân đi trước để làm giàu cho hành trang khởi nghiệp của mình. Bên cạnh đó, sự chủ động học hỏi, kết nối, quyết tâm thép của các bạn chính là lực hấp dẫn với nhà đầu tư. "Khởi nghiệp cần một tinh thần thép, không sợ hãi, không ngại khó, ngại khổ, hãy học cách đứng trên vai những người khổng lồ để tận dụng những nguồn lực đầu tư từ họ" - Hải chia sẻ.

Còn theo Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn Lý Đình Quân, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng cao khả năng cho sinh viên trong quá trình khởi nghiệp, từ việc hình thành ý tưởng cho tới việc xây dựng văn hóa khởi nghiệp. Không cần ý tưởng quá cao siêu, to lớn, sinh viên có thể bắt đầu từ những điều xung quanh mình để phát hiện nhiều ý tưởng, sáng kiến hữu ích, phù hợp với khả năng. Mọi ý tưởng dù nhỏ cũng đều được trân trọng.

Ông Quân cho rằng, nhà trường phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường và tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các em. Đồng thời, nhà trường phải là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng chương trình đào tạo với tinh thần khởi nghiệp và cung cấp các kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ. Các sinh viên cần trang bị kiến thức để đối mặt với nhiều vấn đề trong thực tiễn một cách tích cực và có niềm tin, động lực để giải quyết khó khăn. Bên cạnh đó, ý tưởng khởi nghiệp phải gắn với thực tiễn và gắn với DN, từ đó có thể kêu gọi được sự đồng hành của các doanh nhân.

"Bên cạnh việc đưa chương trình khởi nghiệp vào đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã kiến tạo được môi trường giúp sinh viên khởi nghiệp ngay trong quá trình học tập. Khởi nghiệp khi còn là sinh viên có thể không phải là con đường của số đông, nhưng chính môi trường giáo dục khai phóng của trường học sẽ là nơi thúc đẩy cho những sáng tạo – yếu tố rất cần cho khởi nghiệp." - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Lê Thị Hằng