Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá dầu thế giới vẫn tiếp tục đà lên dốc trong thời gian tới, do đó, Việt Nam cần chủ động thực hiện các giải pháp trước mắt và dài hạn nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi từ sự tăng giá của mặt hàng “vàng đen” này.
Giá dầu tăng vọt do cú sốc nguồn cung
Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2022, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể dẫn đến cú sốc nguồn cung trên toàn cầu. Cụ thể, trong báo cáo tháng được công bố ngày 16/3, IEA nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng khoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ, các thị trường năng lượng toàn cầu đang bước vào giai đoạn quan trọng.
Hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá diễn biến của loạt sự kiện hiện nay, song cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi dài hạn đối với các thị trường năng lượng. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã đẩy giá dầu tăng vọt. Mặc dù các biện pháp này không bao gồm thị trường năng lượng, song các công ty dầu mỏ chính, các DN vận tải biển và ngân hàng đều hạn chế kinh doanh với Nga.
Hiện Mỹ và Anh đã công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Do đó, IEA cho rằng không nên xem thường tác động của tình trạng hao hụt dầu mỏ xuất khẩu từ Nga sang các thị trường toàn cầu. Theo cơ quan này, nguy cơ sản xuất dầu mỏ tại Nga bị gián đoạn trên quy mô lớn do các lệnh trừng phạt và việc các công ty hạn chế các mặt hàng xuất khẩu của nước này đang có khả năng tạo nên cú sốc nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu. Căn cứ vào tình hình này, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm nay xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày.
Hiện, giá dầu thế giới đang tăng ở ngưỡng 112 - 115 USD/thùng trong những ngày gần đây khi các nước Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc cùng với Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Cụ thể, giá dầu tăng lên trước thềm các cuộc đàm phán trong tuần này giữa chính phủ các nước EU và Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng đến một loạt các cuộc họp thượng đỉnh nhằm tăng cường các biện pháp đáp trả đối với Nga. Trong đó, chính phủ các nước EU sẽ cân nhắc có ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vì cuộc xung đột với Ukraine hay không.
Ngoài ra, báo cáo mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) cho thấy, sản lượng tháng 2/2022 của nhóm này đã thấp hơn mức mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty năng lượng vẫn đang gặp khó khăn trong việc gia tăng số giàn khoan hoạt động, bất chấp giá dầu tăng mạnh. Trước tình hình đó, IEA đã hối thúc các chính phủ ngay lập tức thực thi các biện pháp nhằm cắt giảm mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu trong vài tháng tới do lo ngại cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Chú trọng công tác dự báo và dự trữ
Do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, giá dầu thô thế giới sau khi vượt qua mốc 100 USD/thùng vào ngày 22/2 đã kéo theo giá sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới đồng loạt đi lên và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, giá dầu thô và giá xăng, dầu thành phẩm trong nước đều liên kết chặt chẽ với giá thế giới cũng như thị trường hàng hóa. Do đó, để ứng phó với biến động giá dầu phức tạp, Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết là đầu tư mạnh hơn cho hoạt động dự báo, đặc biệt trong giai đoạn giá nhạy cảm như hiện nay. Thực tế cho thấy, các quốc gia phát triển, các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, EU hay các tổ chức lớn đều có cơ quan dự báo năng lượng và dầu khí chuyên trách. Nhờ vậy, các thống kê hay kết quả dự báo giá dầu, tình hình cung cầu thị trường, tồn kho dầu thô, sản phẩm luôn là định chuẩn cho việc ra quyết định của các nước trong việc điều hành thị trường.
Chuyên gia cao cấp Viện Dầu khí
Việt Nam (VPI) Đoàn Quyết Tiến cho biết, hiện VPI đang sử dụng các dữ liệu phân tích dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Wood Mackenzie phục vụ dự báo thị trường dầu khí.
Bên cạnh đó, VPI cũng đang áp dụng các mô hình hiện đại như học máy, trí tuệ nhân tạo, để nâng cao chất lượng dự báo cũng như kịp thời đưa ra các dự báo nhanh nhất, hiệu quả và chính xác nhất về tình hình cung cầu thị trường, tồn trữ sản phẩm để có chiến lược xuất nhập khẩu phù hợp, đảm bảo cân bằng cung cầu thị trường, tránh thị trường thiếu hụt và gây áp lực giá. Từ các dự báo này, các cơ quan quản lý Nhà nước có thêm căn cứ để điều chỉnh giá linh hoạt và ra quyết định hợp lý, ổn định giá xăng dầu, giá đầu vào và chỉ số giá tiêu dùng, hài hòa tổng thế lợi ích của toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh công tác dự báo, giải pháp về dự trữ dầu thô và xăng, dầu cũng rất quan trọng. Hiện sức chứa hệ thống dự trữ xăng dầu của Việt Nam được chia thành 3 nhóm: Dự trữ sản xuất, dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại. Cụ thể, dự trữ sản xuất khoảng gần 870.000 tấn xăng dầu quy đổi; dự trữ ở mức tương đối thấp chỉ khoảng 500.000 m3, tương ứng với khoảng 10 - 11 ngày tiêu thụ; dự trữ thương mại với hệ thống kho xăng trên toàn quốc khoảng 4,1 triệu m3, về cơ bản đang đáp ứng được quy định dự trữ bắt buộc 20 ngày tại Nghị định 95/NĐ-CP ngày 1/11/2021.
“Trong bối cảnh nguồn lực dành cho việc dự trữ dầu thô, xăng dầu của còn chưa cao, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng các nhà máy lọc dầu. Về dài hạn, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng kho dự trữ dầu thô quốc gia” - ông Đoàn Quyết Tiến đề xuất.
Để kiềm đà tăng giá xăng, dầu, ổn định kinh tế vĩ mô, mới đây (ngày 23/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu như Chính phủ trình. Cụ thể mức giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, kiểm tra và có biện pháp xử lý để giảm áp lực nguồn cung trên thị trường. Việc này nhằm đảm bảo các DN đầu mối xăng dầu trong nước sử dụng đúng quy định với lượng xăng, dầu dự trữ thương mại của DN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc giảm chu kỳ điều hành giá cũng là một phương án Chính phủ cần thực hiện để giá xăng, dầu trong nước sát hơn với diễn biến thế giới. Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho Quỹ bằng hiện vật (xăng, dầu) nhằm hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước.
Theo phân tích của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), EU phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga chiếm gần 30% nhập khẩu dầu thô của khối này. Về dầu diesel, lượng nhập khẩu từ Nga thậm chí chiếm 80% nhập khẩu của EU. Như vậy, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung một lượng lớn dầu nhập khẩu từ nơi khác, điều này có thể gây sức ép hơn nữa đối với thị trường.