Tìm cách để học sinh vùng khó có đủ thiết bị học tập

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời điểm này, bên cạnh việc chuẩn bị tốt kế hoạch khai giảng và học trực tuyến đầu năm học mới, thầy cô giáo ở các trường thuộc xã vùng khó tại Hà Nội đang tích cực rà soát thiết bị học tập của những học sinh (HS) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những mong tìm giải pháp tốt nhất để đảm bảo quyền lợi học tập cho các em.

Nhiều HS thiếu thiết bị học tập
Nỗi lo HS không đủ thiết bị học tập trong điều kiện học trực tuyến vẫn thường trực với phụ huynh, giáo viên và nhà trường tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thầy Nguyễn Xuân Hạng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phú (xã miền núi An Phú, huyện Mỹ Đức) cho biết: Năm học này, dù nhà trường đã đề nghị cha mẹ chuẩn bị trang thiết bị máy móc cho con em nhưng trường vẫn có khoảng 40 HS không có trang thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh) để học trực tuyến. “Năm học trước, nhà trường áp dụng giải pháp, đó là lớp nào có HS thiếu máy móc sẽ nhờ trưởng ban phụ huynh lớp đó đứng ra kết nối học ghép nhóm. Theo đó, HS không có thiết bị sẽ được chở đến nhà các bạn có thiết bị ở gần đó để học nhờ. Năm nay, sau ngày 6/9, nếu Hà Nội hết thời gian giãn cách xã hội, biện pháp này sẽ tiếp tục được thực hiện”.
Chia sẻ câu chuyện thiết bị học tập của HS, thầy Lê Đức Thọ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Châu (xã đảo Minh Châu, huyện Ba Vì) cho biết: “Đây là việc thực sự nan giải. Qua rà soát HS trong trường thì vẫn có 5 trường hợp đặc biệt khó khăn, không có thiết bị để học (trong đó khối 1 có 1 em; các khối 2 - khối 5) có 4 em. Sau ngày 6/9, nếu Hà Nội hết giãn cách, trường sẽ lại áp dụng cách thức năm trước là để các HS này học ghép với bạn”.
 Để học trực tuyến, HS phải có thiết bị máy tính/điện thoại (Ảnh minh họa)
Cũng thuộc xã miền núi của Hà Nội, trường THCS Phú Mãn (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) lại khá đầy đủ thiết bị và điều kiện để HS học tập. Hiệu trưởng nhà trường Hà Thống Nhất nêu: Trường có tổng 130 HS, vì năm học mới tiếp tục học trực tuyến nên trường đã đôn đốc, động viên gia đình mua sắm thiết bị cho con và đến nay cơ bản đã đáp ứng đầy đủ. Với gia đình có nhiều con cùng học, nhà trường ưu tiên sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu để các em không bị bỏ lỡ bất cứ tiết học/môn học nào.
Liên quan vấn đề thiếu thiết bị máy móc phục vụ năm học, cô Dương Thị Tâm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú A (xã miền núi Trần Phú, huyện Chương Mỹ) bày tỏ: Trường có hơn 700 HS thì có khoảng hơn 10 HS học bằng máy tính; còn lại hầu hết học bằng điện thoại thông minh của bố mẹ. Tuy nhiên, trong số đó, còn khoảng trên 30 em là không có thiết bị để học. Số học sinh này rơi vào các hoàn cảnh khó khăn như mẹ đơn thân, bố me ly hôn, các em ở với ông bà… Cũng có gia đình có 2-3 con đi học mà chỉ có 1 thiệt bị điện thoại thông minh. Để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, nhà trường đã dùng đến các giải pháp như linh hoạt thời khóa biểu, xếp lớp buổi tối để HS có đủ thiết bị hoặc trước đây nếu HS nào ở gần thì học ghép 2-3 em/nhóm.
Cô Tâm cũng cho biết thêm: Nhà trường có 30 giáo viên thì 9 giáo viên hợp đồng; điều kiện cuộc sống của thầy cô cũng khó khăn nên việc quyên góp, ủng hộ HS rất hạn chế. “Mỗi đợt phát động, các thầy cô mỗi người chỉ góp được vài chục nghìn đến 100 nghìn đồng. Phụ huynh nào có điều kiện thì đóng góp một chút nhưng số tiền đó cũng chỉ có thể mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập để hỗ trợ một số HS chứ không dám nghĩ đến việc mua những thiết bị đắt tiền…”.
Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, đầu năm học vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tổ chức phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh HS, Nhân dân. Kết quả đã quyên góp được 168 điện thoại thông minh, 47 máy tính, 3 Ipad, 15 ti vi; phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình phát động quyên góp được 10 bộ máy tính, 15 máy chiếu để giúp các thầy, cô cùng các em HS dạy và học trực tuyến. 
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Thăng cho hay, các trường tiểu học, THCS ở 21 xã, thị trấn thuộc huyện Mỹ Đức đã sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến. Trang thiết bị cho HS học tập được các gia đình, nhà trường quan tâm mua sắm; với số ít khó khăn có thể tìm cách mượn nhà trường, thầy cô, anh em trong thời gian học tập nên cơ bản đảm bảo.
 Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều chương trình hỗ trợ máy tính cho HS có hoàn cảnh khó khăn
Riêng An Phú là xã miền núi, trình độ dân trí thấp, mức độ quan tâm cho giáo dục hạn chế nên rất khó khăn về vấn đề này. Năm học trước, Phòng đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện rà soát, hỗ trợ thiết bị học tập cho HS; tuy nhiên chỉ hỗ trợ được số lượng rất nhỏ.
Để khắc phục tình trạng trên, trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học tại huyện Mỹ Đức tới đây, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này với lãnh đạo các trường học trên địa bàn để cùng bàn bạc, tháo gỡ. Trước hết là tuyên truyền các phụ huynh có điều kiện thì nên mua máy tính hoặc ipad để phù hợp với việc học tập của các con. Phòng cũng sẽ đề xuất, báo cáo lãnh đạo huyện tới đây sẽ phát động toàn ngành giáo dục huyện Mỹ Đức phong trào ủng hộ thiết bị học tập cho các HS có hoàn cảnh khó khăn; huy động gia đình có thiết bị cũ, không dùng đến có thể ủng hộ; các "Mạnh Thường Quân" giúp đỡ bằng tiền, hiện vật để góp phần chung tay giảm bớt khó khăn, tăng nguồn động viên cho HS cố gắng vươn lên trong học tập trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”- Phó trưởng Phòng GD&ĐT Mỹ Đức Lê Văn Thăng cho biết.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành giáo dục cả nước nói chung và giáo dục Hà Nội nói riêng đang nỗ lực có giải pháp linh hoạt để thích ứng và giảm thiểu những tổn thương cho ngành giáo dục do dịch bệnh gây nên. Với nhiều khó khăn thực tế, dù được quan tâm, giúp đỡ nhưng các trường học vùng khó tại Hà Nội vẫn mong muốn tiếp tục nhận được những giải pháp mang tính tổng thể, đặc biệt trong việc hỗ trợ thiết bị học tập cho các em; để thầy cô, học sinh ở những ngôi trường này yên tâm dạy và học; đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học mới.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần