70 năm giải phóng Thủ đô

Tìm cách giảm nhiệt lễ hội

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa năm nào, Bộ VHTT&DL sốt sắng chấn chỉnh các lễ hội được cho là nổi cộm như năm nay. Lãnh đạo Bộ tháp tùng Phó Thủ tướng về đền Trần (Nam Định), chùa Hương (Hà Nội), Bộ cũng thành lập nhiều đoàn thanh tra lễ hội nhằm giảm hiệu ứng đám đông trong lễ hội.

 
Nhiều lễ hội thay đổi nghi thức
Không chỉ lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) bỏ chém lợn giữa sân đình, lễ hội đập đầu trâu (Phú Thọ) đổi búa tạ thành búa cao su, Hội Gióng Sóc Sơn (Hà Nội) thay thế cướp lộc bằng tất lộc có tổ chức, mà nhiều lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu và Đúc Bụt ở Tam Dương… cũng nằm trong danh sách thay đổi nghi thức tổ chức.
Trước mùa lễ hội, Bộ VHTT&DL đã kiểm tra công tác tổ chức lễ hội Tam Dương, yêu cầu “Năm 2017, một số nghi thức của lễ hội Đức Bụt khiến dư luận bức xúc như hình ảnh phản cảm từ nghi thức cướp chiếu. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội phải có giải pháp khắc phục hiện tượng này” – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương bày tỏ.
Trước ý kiến chỉ đạo từ ngành văn hóa, ông Nguyễn Duy Đông – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Trước kia, nghi lễ cướp chiếu trong lễ hội Đúc Bụt được trình diễn và chạy đuổi khắp xóm. Năm nay, chúng tôi vận động bà còn chỉ thực hiện nghi lễ ở trung tâm lễ hội, chiếu đưa vào cung làm lễ rồi chia lộc”.

Ngoài ra, một số “điểm nóng” của lễ hội cũng được Bộ VHTT&DL đưa vào tầm ngắm. Năm 2018 là năm đầu tiên Khu di tích Tây Yên Tử tổ chức lễ hội với hoạt động chính là rước tượng từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Hạ.
Bộ đã lưu ý công tác chuẩn bị cho lễ hội cần được lên kế hoạch chu đáo, có phương án kịp thời ứng phó khi du khách đổ về lễ hội. Hội Lim (Bắc Ninh), chùa Hương (Hà Nội), đền Trần (Nam Định), đền Trần (Thái Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)… cũng được Bộ giám sát và yêu cầu “giảm nhiệt”. Vì vậy, kịch bản các lễ hội đã có những thay đổi trong tổ chức nghi lễ.

Hành chính hóa lễ hội?

Không thể nói người dân nơi diễn ra lễ hội không tâm trạng trước những thay đổi. Ông Trịnh Nhật Nam - Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Vệ Linh, nơi có lễ vật giò hoa tre được đem ra cướp lộc ở Hội Sóc, đầy băn khoăn khi nghi thức cướp lộc thành tất lộc có thay đổi yếu tố tâm linh. Nhưng hiện giờ hành động cướp lộc thành bạo lực, người đọc tấu như ông Nam bị xô ngã mấy lần nên chấp nhận đổi hình thức chia lộc.
Ông Nguyễn Hữu Hoa – Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VHTT&DL Bắc Ninh cũng thừa nhận, mỗi mùa hội Lim đón vài nghìn người thì liền anh liền chị hát bộ, giờ là hàng chục nghìn người, thì phải chấp nhận nghe quan họ qua micro. “Đó là những biến đổi ta phải chấp nhận vì thời cuộc” – ông Hoa nhấn mạnh.

Không chỉ “vi hành”, hướng dẫn tận nơi công tác tổ chức lễ hội, tới đây, Bộ VHTT&DL sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý lễ hội, khắc phục những hạn chế còn tồn tại; phân loại, phân cấp quản lý cho các bộ, UBND các cấp; thay đổi phương thức quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động lễ hội. Theo đó, sẽ thay thế hình thức xin phép bằng đăng ký và thông báo.
Đối với lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài có quy mô quốc gia được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Bộ VHTT&DL. Lễ hội truyền thống được khôi phục sau nhiều năm gián đoạn thì đăng ký với UBND cấp tỉnh, các lễ hội tổ chức định kỳ thì thông báo với cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Ngoài ra, Bộ VHTT&DL sẽ thanh, kiểm tra và có chế tài đủ mạnh để xử lý nếu lợi dụng lễ hội.

Nếu nghị định quản lý lễ hội ra đời, cũng là một công cụ để giảm nhiệt lễ hội, nhưng nhiều người lo ngại, ngành văn hóa đang hành chính hóa các hoạt động văn hóa do dân làm chủ thể. Những biến đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực trong mùa lễ hội 2018 sẽ là câu trả lời cho những băn khoăn đó.

Kiệu rước lộc hoa tre tại hội Gióng. Ảnh: Công Hùng