Tìm cách hạn chế tác động dây chuyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xăng dầu, điện đồng loạt tăng giá đã khiến người tiêu dùng lo lắng giá cả hàng...

Kinhtedothi - Việc xăng dầu, điện đồng loạt tăng giá đã khiến người tiêu dùng lo lắng giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sẽ “té nước theo mưa”. Ghi nhận chung trên thị trường, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn khá ổn định, trong khi một số sản phẩm khác như sắt thép, xi măng… rục rịch tăng.

Sức mua yếu

Khảo sát của phóng viên ngày 20/3, tại một số chợ đầu mối và các chợ truyền thống như chợ Ngã Tư Sở, Thành Công, Kim Liên…, các loại thịt, cá, trứng vẫn giữ giá khá ổn định, chưa hề có dấu hiệu tăng theo giá điện, xăng dầu. Cụ thể, giá thịt lợn dao động từ 85.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại; thịt gà: 120.000 - 160.000 đồng/kg; thịt bò: khoảng 250.000 - 280.000 đồng/kg… Giá cá trắm dao động từ 75.000 - 90.000 đồng/kg; cá chép: 70.000 - 90.000 đồng/kg; cá rô phi: 55.000 - 60.000 đồng/kg. Các tiểu thương kinh doanh thực phẩm, rau xanh lý giải, do nguồn cung dồi dào nên giá thực phẩm tươi sống như thịt, cá không tăng.
Tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ đến các DN như Hanosimex.      Ảnh: Như Ý
Tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ đến các DN như Hanosimex. Ảnh: Như Ý
Trong khi đó, tại các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Fivimart, Hapro, Big C…, thịt thăn, nạc vai, dọi quế có giá từ 94.000 - 101.000 đồng/kg, dầu ăn Neptune, dầu đậu nành Simply có giá từ 88.000 - 90.200 đồng/can 2 lít…

Tại lễ khai trương siêu thị Fivimart ngày 20/3, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam cho biết: Sở dĩ hàng hóa tại hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội chưa có dấu hiệu tăng giá là do đang còn một lượng lớn hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán. Đặc biệt, việc UBND TP Hà Nội triển khai chương trình bình ổn giá cũng tạo điều kiện cho DN kiềm chế tình trạng tăng giá bất hợp lý. Theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Sau khi xăng dầu, điện tăng giá đến nay, nhiều nhà cung cấp vẫn chưa thông báo cụ thể việc điều chỉnh giá. 

Thực tế cho thấy, việc hàng hóa không tăng giá còn bởi sức mua của người dân tiếp tục giảm đáng kể. Chính vì thế, các nhà cung ứng hàng hóa cũng rất thận trọng trong việc điều chỉnh giá bán. Nhiều mặt hàng chưa thể điều chỉnh do phải cân nhắc việc kích cầu tiêu dùng.

Bài toán đổi mới công nghệ

Trước câu hỏi việc điện tăng giá hơn 7% liệu có ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm cơ, kim khí và công nghiệp nặng, từ đó tăng giá bán, ông Phạm Hữu Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kim khí Thăng Long lý giải: Trong thời gian tới, giá bán sản phẩm cơ, kim khí vẫn ổn định, không tăng. Nguyên nhân là do đối với ngành hàng này, chi phí xăng dầu, điện chỉ chiếm khoảng 1% giá thành. Chính vì vậy, từ đầu năm, hoạt động sản xuất của đơn vị không có biến động lớn do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm khiến giá nguyên liệu sản xuất giảm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, những DN nhiệt luyện, sắt thép, xi măng… lại không như vậy bởi chi phí điện chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành những mặt hàng này. Thậm chí, một số DN sản xuất đúc nấu chảy, thép chiếm tới 30% giá thành sản xuất. Điều này xuất phát từ thực tế phần lớn DN trong ngành hàng này trong một thời gian dài chậm đổi mới công nghệ, đang sử dụng công nghệ lạc hậu gây lãng phí điện. Giá điện tăng cũng chính là sức ép để các DN tiết kiệm và đổi mới công nghệ, sử dụng điện hiệu quả nhất. 

Số liệu khảo sát của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, chỉ có 1% công nghệ sản xuất của các DN sản xuất thép trong nước đạt trình độ hiện đại, 51% công nghệ đạt trung bình khá và 48% là lạc hậu. Hiện, ngành thép Việt Nam chỉ có 4 nhà máy có công nghệ hiện đại, còn phần lớn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng gấp 2 lần công nghệ hiện đại. Đại diện Hiệp hội Thép cũng thừa nhận, mặc dù Việt Nam không có lợi thế về nguyên liệu sản xuất nhưng do giá nhiên liệu điện, than… đã phần nào được Nhà nước “bao cấp” khiến ngành thép phát triển nhanh và thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào ngành.

Điều đó cho thấy, mặc dù việc tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho một số DN trong hoạt động sản xuất nhưng đây cũng là giải pháp thúc đẩy các DN sớm đổi mới công nghệ, loại bỏ dây chuyền sản xuất lạc hậu. Việc làm này sẽ giúp DN nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng trong nước sản xuất với hàng nhập khẩu.