Mang lại cảm xúc cho khán giả
Theo đó, Liên hoan quy tụ 15 đơn vị nghệ thuật trong nước với 21 chương trình, vở diễn, trong đó có 6 chương trình của quốc tế. Trong đó, các đoàn nghệ thuật quốc tế gồm Tom Corradini Teatro (Italia); Yvua Arts (Hàn Quốc); Patch Theater (Ba Lan); Singapore Raffles Music College (Singapore); Mass Foundation (Pakistan); Dhyass Performing Arts (Ấn Độ). Đây là những quốc gia có nền kịch nói phát triển.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan cho biết, Liên hoan lần này quy tụ nhiều loại hình sân khấu tham gia như Kịch nói, Cải lương, múa Rối ở Hà Nội và các địa phương như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Long An. Đặc biệt, có 6 đơn vị nghệ thuật của 6 quốc gia đã đăng ký tham gia Liên hoan.
NSND Thúy Mùi cũng bày tỏ, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, không chỉ mang tính chất giao lưu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với những tinh túy nghệ thuật trên thế giới, mà còn cho thấy sức mạnh của nền nghệ thuậtt trên thế giới khi chúng ta vươn qua đại dịch Covid-19.
“Liên hoan lần nay, đối với các đơn vị nghệ thuật trong nước đã có những sự thử nghiệm đáng kể cả trong các lĩnh vực múa Rối, Kịch nói, sự kết hợp giữa nghệ thuật Cải lương và nghệ thuật Xiếc chắc chắn sẽ mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc cho khán giả, đặc biệt là các bạn nghề ở các quốc gia tham gia Liên hoan” - NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.
Cũng tại Liên hoan năm nay, nhìn vào dàn kịch mục của các đơn vị nghệ thuật trong nước đa số là những tác phẩm dàn dựng gần đây như Trái tim người Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thượng Thiên Thánh Mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam – Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Lời thề (Đoàn nghệ thuật múa Rối Hải Phòng), Đối thoại âm dương (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng)…. Đây là những tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật đầu tư lớn về chuyên môn, là những sáng tạo trong việc thử nghiệm với cách làm mới mẻ, tạo nên sự hấp dẫn của mỗi vở diễn. Còn với các đơn vị nghệ thuật quốc tế sẽ mang tới Liên hoan những vở diễn xuất sắc mang đậm dấu ấn văn hóa và nền kịch nghệ của quốc gia đó.
Điều khác biệt đối với nền nghệ thuật sân khấu thông thường, sân khấu thử nghiệm là nơi các nghệ sĩ đưa ra các thử nghiệm sáng tạo trong bộ môn của mình từ hình thức dàn dựng đến nội dung vở diễn. Chắc chắn yếu tố “thử nghiệm” là “chìa khóa” để Ban giám khảo cho điểm các vở diễn, sự thử nghiệm càng độc đáo mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc mãnh liệt cho khán giả thì những vở diễn đó càng được đánh giá cao.
Theo kế hoạch Lễ khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra vào tối 15/11, tại Nhà hát Tuổi trẻ; Lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra tại Rạp Đại Nam vào ngày 26/11. Đây cũng là nơi diễn ra các tác phẩm dự thi của 6 đơn vị quốc tế và một số vở diễn của Việt Nam. Các vở còn lại sẽ được trình diễn rại Rạp Công nhân, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Tháng 8 (Hải Phòng).
Tìm kiếm sáng tạo trong sân khấu
Theo BTC, thành phần Hội đồng nghệ thuật là các Nghệ sĩ trong nước và quốc tế có uy tín nghệ thuật cao, có năng lực và công tâm trong đánh giá thẩm định. Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật là người nước chủ nhà Việt Nam. Số lượng Hội đồng nghệ thuật không quá 7 thành viên (trong đó dự kiến mời từ 2 đến 3 nghệ sĩ là người nước ngoài tham dự).
Hội đồng nghệ thuật sẽ theo dõi đầy đủ các buổi biểu diễn, đánh giá chất lượng và chấm điểm đối với vở diễn (vở diễn, chương trình nghệ thuật), tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sỹ, nhạc sỹ… đảm bảo tính khách quan, chính xác và thực hiện theo quy chế Liên hoan đã đề ra. Đánh giá chất lượng Nghệ thuật trong liên hoan và chịu trách nhiệm về kết quả các giải thưởng của Liên hoan; Đề xuất những giải pháp để phát triển nghệ thuật sân khấu thử nghiệm trong những năm sau. Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chịu trách nhiệm Tổng kết nghệ thuật của Liên hoan trong buổi bế mạc.
Để bảo đảm tính chính xác, khách quan, công bằng, sau khi xem các vở diễn, Hội đồng nghệ thuật họp, thảo luận dân chủ, cho điểm độc lập bằng phiếu kín, nộp cho Tổ Thư ký. Điểm của thành viên nào cao hơn hoặc thấp hơn 2 điểm so với điểm trung bình cộng của toàn Hội đồng nghệ thuật sẽ không được tính.
Về tiêu chí đánh giá vở diễn, theo BTC mỗi vở diễn có thời lượng tối thiểu 60 phút, tối đa không quá 120 phút. Các tác phẩm nghệ thuật Sân khấu trong nước và nước ngoài tham dự Liên hoan phải có sự tìm tòi khám phá có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các thành phần như: Biên kịch; đạo diễn; thiết kế mỹ thuật; diễn xuất; âm thanh; ánh sáng, âm nhạc; kỹ thuật; nghệ thuật hình thể và những yếu tố Nghệ thuật khác.
Theo NSND Trịnh Thuý Mùi: Những thử nghiệm trong mỗi vở diễn phải mang tính hiệu quả về nội dung và nghệ thuật; phù hợp với thuần phong, mỹ tục của mỗi quốc gia; đồng thời chú ý tới hình thức phong phú, đa dạng trong sự tìm tòi mang tính thử nghiệm của tác phẩm nghệ thuật và phục vụ được đông đảo người xem.
Quy định số lượng giải cho vở diễn không quá 30% tổng số lượng vở diễn đăng ký tham gia (nếu quá số lượng quy định thì Ban Tổ chức sẽ lấy điểm số từ cao xuống thấp); số giải thưởng Huy chương Vàng ít hơn số giải thưởng Huy chương Bạc.
Đối với diễn viên, số lượng giải dựa vào tổng số các nhân vật có tên trong tờ giới thiệu chương trình (của tất cả các vở diễn được Hội đồng nghệ thuật chấm điểm; Số lượng giải thưởng cho diễn viên không quá 35% (nếu quá số lượng quy định thì Ban Tổ chức sẽ lấy điểm số từ cao xuống thấp); số Giải thưởng Huy chương Vàng sẽ ít hơn số giải thưởng Huy chương Bạc.
Theo kế hoạch Lễ khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra vào tối 15/11, tại Nhà hát Tuổi trẻ; Lễ bế mạc và trao giải sẽ diễn ra tại Rạp Đại Nam vào ngày 26/11. Đây cũng là nơi diễn ra các tác phẩm dự thi của 6 đơn vị quốc tế và một số vở diễn của Việt Nam. Các vở còn lại sẽ được trình diễn rại Rạp Công nhân, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Tháng 8 (Hải Phòng).