Tìm cơ chế hút nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định của các chuyên gia, dù đang là một trong những thị trường mới nổi về thu hút tài chính xanh, Việt Nam vẫn cần tạo ra môi trường hấp dẫn để các DN đầu tư nước ngoài có thể tham gia hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 tại Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã tham dự Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, đóng góp vào mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Chuyển dịch năng lượng hóa thạch trong hoạt động sản xuất cần có nguồn lực tài chính.
Chuyển dịch năng lượng hóa thạch trong hoạt động sản xuất cần có nguồn lực tài chính.

Theo đánh giá của Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) những cam kết Việt Nam về biến đổi khí hậu, đặc biệt, cam kết phát thải ròng bằng “0” là cam kết tham vọng chuyển đổi năng lượng hóa thạch. Chính vì vậy, Việt Nam cần có các định chế tài chính trong triển khai tài chính xanh, bền vững. Thông qua Hội nghị, những vấn đề còn vướng mắc sẽ có cơ hội được tháo gỡ.

Về khả năng thu hút đầu tư tư nhân tại Việt Nam, Chủ tịch COP 26 Alock Shama cho biết, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới là Lego đã khởi công xây dựng một nhà máy không phát thải phục vụ sản xuất, giá trị hàng tỷ Đô la tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục tạo đà thu hút các nhà đầu tư thế giới, Việt Nam cần có thêm một kế hoạch cụ thể.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng tái tạo khác rất dồi dào. Mặc dù vậy, chưa nói đến kinh phí đầu tư điện gió, quá trình chuyển đổi có thể gây khó khăn về đảm bảo việc làm cho người lao động.

Theo lộ trình chuyển đổi của Việt Nam, nên chia theo từng bước tận dụng hiệu quả các nguồn tài chính và dần mở rộng phạm vi trong những giai đoạn tiếp theo. Xét đến quy mô và cơ hội, Việt Nam kỳ vọng sẽ tập trung vào điện gió, hydrogen, ưu tiên cho nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Do đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các nước phát triển cần làm rõ cam kết tài chính 100 tỷ USD dành cho ứng phó biến đổi khí hậu, không chỉ tập trung vào chuyển đổi năng lượng mà còn dùng cho nhiều mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu khác.

Mô hình tài chính xanh được quan tâm xúc tiến tại Việt Nam.
Mô hình tài chính xanh được quan tâm xúc tiến tại Việt Nam.

Mặt khác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định cam kết của Việt Nam về tiến hành chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và mong muốn GFANZ sẽ hỗ trợ đẩy nhanh hơn nữa quá trình này. Để đóng góp vào mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam cần làm chủ công nghệ sản xuất khí hydro, amoniac xanh, cách thức vận chuyển và lưu trữ năng lượng; giải pháp đảm bảo lưới điện bền vững.

Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, đại diện Ngân hàng HSBC cho biết đã thu xếp 12 tỷ Đô la cho riêng thị trường Việt Nam, tiến độ giải ngân đạt được là khả quan. Theo đó, các sản phẩm tài chính xanh như trái phiếu xanh sẽ thiết lập tiêu chuẩn cho khối tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn quốc tế phục vụ các mục tiêu tái cơ cấu các lĩnh vực theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần