Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm cơ hội mở rộng thị trường

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước không đạt mức tăng trưởng như mong muốn thì XK TP Hà Nội lại tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước.

Để có được kết quả này TP Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là chuyển hướng tập trung XK các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh khai thác thị trường mới… từ đó đưa DN hội nhập kinh tế quốc tế.
Xuất khẩu tăng 20,4%
Thông tin Cục Thống kê TP Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng qua, kim ngạch XK của Hà Nội liên tục tăng trưởng. Cụ thể, tính đến hết tháng 9, kim ngạch XK toàn quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 8,2% so với cùng kỳ 2018, trong khi đó, kim ngạch XK trên địa bàn Hà Nội đạt 12,4 tỷ USD tăng 20,4% so với cùng kỳ 2018.
Điều đáng ghi nhận đó là DN Hà Nội đã khẳng định sự lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động XK, giảm dần sự lệ thuộc vào DN FDI. Minh chứng rõ nhất là trong quý I/2019, DN Hà Nội chỉ chiếm 52% kim ngạch XK, nhưng đến hết tháng 9 đã chiếm trên 60% kim ngạch XK.
DN Hà Nội giới thiệu sản phẩm tìm kiếm bạn hàng tại Nam Phi thông qua hội chợ SAITEX 2019.
Trong khi đó, khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ trọng XK ngày càng giảm, trong quý I chiếm 48%, sau 9 tháng kim ngạch XK của khối này chỉ chiếm 40,9%. Trái ngược với sự lớn mạnh của DN Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh khối DN FDI chiếm tỷ trọng XK 61% và tỷ trọng XK của DN FDI của cả nước lên đến 70%.
Để đạt được kết quả khả quan như trên, bên cạnh nỗ lực của bản thân của DN, TP Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp mang tính đột phá tạo điều kiện cho các DN phát triển, vươn lên, từ đó thúc đẩy XK. Trong đó, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ rào cản, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Ngành công thương Hà Nội đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN qua đó giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay. Thực hiện có hiệu quả các chính sách thuế, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.
Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường
Mặc dù kim ngạch XK TP Hà Nội đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng từ nay đến hết năm 2019, các DN tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến chỉ đạt 2,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 3,7% của năm 2018 (theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF).
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên cả 2 thị trường quan trọng này đều giảm nhập khẩu. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết: Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của mặt hàng gạo, nhưng gần đây Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu mặt hàng này, đồng thời dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật khiến gạo Việt Nam khó thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm trong bối cảnh thế giới diễn biến rất phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công thương cần nghiên cứu, theo dõi sát những biến động chính trị để có giải pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro, XK bền vững. Từ đó tận dụng những yếu tố thuận lợi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết từ đó mở ra nhiều cơ hội để tăng trưởng kim ngạch XK.
Trước những khó khăn trên, UBND TP Hà Nội và ngành công thương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ DN đẩy mạnh XK, mở rộng thị trường. Cụ thể Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, XK…
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng thời cơ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND, gồm 10 giải pháp quan trọng, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng thị trường, đẩy mạnh XK hàng hóa.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng chia sẻ: UBND TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN mở rộng thị trường XK tới thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định.
Cụ thể, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) tổ chức các đoàn DN tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế; Tuần hàng Việt Nam tại các thị trường Nhật, Pháp, Hàn Quốc, châu Phi...
Tuy nhiên muốn tăng kim ngạch XK bên cạnh sự cố gắng của DN, ngành công thương Hà Nội còn đòi hỏi Bộ Công Thương xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng. Đồng thời đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại kể cả các đối tác lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam. Từ đó có những biện pháp, giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với từng nhóm DN, địa phương, ngành hàng XK đáp ứng đúng quy định quốc tế.

"Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức đoàn DN tham gia hội chợ Thương mại quốc tế Nam châu Phi 2019 (SAITEX 2019) qua đó kết nối với DN Nam Phi, Mozambique và các nước lân cận. Mặc dù kim ngạch XK sang thị trường này chưa lớn như mong muốn nhưng đây là tín hiệu tích cực, hướng đi mới trong việc hỗ trợ DN Hà Nội tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch XK" - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng