Tìm đầu ra bền vững cho nông sản sạch

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa các mặt hàng nông sản sạch vào kênh phân phối hiện đại không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần nâng giá trị, quảng bá thương hiệu cho nông sản Thủ đô.

Khó chen chân vào siêu thị
Chia sẻ về những vướng mắc trong khâu tiêu thụ, Tổ trưởng tổ sản xuất chăn nuôi VietGAP xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) Dương Văn Nghi cho biết, hiện nay, tổ sản xuất đang chăn nuôi 29.000 con vịt đẻ với sản lượng trứng trung bình 8,3 triệu quả/năm. Năm 2018, sản phẩm của tổ đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, song đến nay giá trị của sản phẩm mang lại vẫn rất thấp do giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Đây vừa là khó khăn vừa là rào cản khiến các hộ chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất.
 Người tiêu dùng chọn rau an toàn tại một cửa hàng tiện ích trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Ngọc Ánh
Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, toàn xã Văn Đức có 220ha rau an toàn, trong đó có 26,9ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 40 - 50 tấn rau các loại nhưng chỉ có khoảng 10 - 15% tiêu thụ qua siêu thị, cửa hàng tiện ích, còn lại chủ yếu vẫn bán cho các bếp ăn tập thể và tiểu thương kinh doanh ở chợ dân sinh.

Lý giải về nguyên nhân nông sản an toàn vào kênh phân phối hiện đại vẫn gặp nhiều khó khăn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, hiện nay khoảng 85% các loại nông sản, thực phẩm an toàn đang tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (chợ dân sinh, thương lái), 15% tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích). Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ, trong khi đó quy định đầu tiên của siêu thị, cửa hàng tiện ích là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp lý để giao dịch, mua bán.

Tăng cường liên kết

Để đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản an toàn qua các kênh phân phối hiện đại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, HTX, nông dân phải sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng, số lượng, độ đồng đều. Trong quản lý, cần ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc để có hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ nông dân, HTX trong việc liên kết với DN, siêu thị để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản an toàn qua kênh phân phối hiện đại, Phúc Thọ đã và đang xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; đồng thời tìm giải pháp hỗ trợ HTX trong liên kết chuỗi, ký kết hợp đồng với DN để bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất trong việc chứng nhận an toàn thực phẩm.

Như vậy, để tìm được tiếng nói chung với các nhà phân phối trong tiêu thụ nông sản, nhà sản xuất cần xây dựng kế hoạch sản xuất theo quy trình an toàn, có sự kiểm soát, tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn.
Bên cạnh đó, các HTX cần tính tới việc quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội để bắt kịp với xu thế xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản thời hiện đại. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các HTX trong việc xúc tiến thương mại qua các hội chợ, hội thảo để DN tìm hiểu thông tin và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

"Các địa phương cần chủ động thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh hỗ trợ người sản xuất trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để chứng minh nguồn gốc sản phẩm, từ đó tạo thuận lợi trong việc kết nối với siêu thị, cửa hàng tiện ích." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần