Bước tiến của nhiếp ảnh ViệtNghệ thuật nhiếp ảnh Việt có bước tiến mới khi gần đây nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã được xướng tên ở những cuộc thi quốc tế. Bức ảnh “Đồi chè Long Cốc” của tác giả Vũ Trung Huân đoạt giải Á quân 1 cuộc thi ảnh Weather Photographer of the Year 2020 (Nhiếp ảnh gia Thời tiết của năm 2020) tại Anh; đầu 2021, tác phẩm “Vân núi 5” của tác giả Vũ Mạnh Cường đạt Huy chương Vàng chủ đề “Du lịch” tại Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow 2021 do Liên đoàn Nhiếp ảnh Ấn Độ - FIP, Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế - FIAP bảo trợ. Đáng lưu ý, nhiếp ảnh gia Khánh Phan gây ấn tượng mạnh mẽ khi giành cú đúp giải thưởng tại cuộc thi ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards (TIFA) 2020 ở Nhật Bản.
Với nhiều giải thưởng xuất sắc tại các cuộc thi ảnh quốc tế, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đang dần định vị thương hiệu nhiếp ảnh nước nhà với thế giới. Mặt khác, từ những kết quả đã đạt được cho thấy, nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay không hề thua kém các quốc gia phát triển cả về con người đến chất lượng các tác phẩm. Theo Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Phong: Nhiếp ảnh Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế: “Nhiều năm qua Việt Nam giành được nhiều giải thưởng cao, chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật của tác giả Việt Nam cũng không thua kém gì tác phẩm của các nước. Thậm chí trong nhiều cuộc thi, ảnh Việt Nam lọt vào triển lãm rất nhiều, nhiều nghệ sĩ Việt Nam dành được tước hiệu cao của quốc tế các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tích”.
|
Công chúng tham quan triển lãm ảnh tại Hà Nội. Ảnh: Minh An. |
Bên cạnh đội ngũ nhiếp ảnh gia đã thành danh, nhiếp ảnh Việt Nam cũng đang ghi nhận một lực lượng các nhiếp ảnh gia trẻ với các tác phẩm những người trong nghề đánh giá cao. Có thể kể đến nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan dù mới “vào nghề”, tay ngang nhưng đã sở hữu cho bản thân hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ. Ngoài ra, Festival Nhiếp ảnh trẻ sau 3 lần tổ chức không chỉ tạo ra sân chơi hấp dẫn cho giới trẻ mà tìm ra được một thế hệ nhiếp ảnh nhanh nhạy, năng động với nhiều tìm tòi thể hiện tư duy tươi mới.
Nghệ thuật nhiếp ảnh còn xa lạViệc buôn bán các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam không hề mới, nhưng hiện nay chỉ có rất ít các nhiếp ảnh gia, gallery hay triển lãm đang thực sự thúc đẩy việc này một cách chuyên nghiệp.
Hiện ở Hà Nội vẫn còn một vài gallery ảnh ở khu phố cổ; bán ảnh lẫn với mặt hàng lưu niệm cho du khách. Nhìn vào bề nổi, có thể thấy đa phần các tác phẩm nhiếp ảnh hiện đang được mua bán dưới dạng hàng hoá lưu niệm. Cách làm này giúp đơn giản hoá quy trình giao dịch và tạo nguồn thu tức thời cho tác giả; nhưng về lâu dài sẽ làm giảm giá trị của tác phẩm nói riêng và cách công chúng nhìn nhận nhiếp ảnh như một bộ môn nghệ thuật nói chung.
Trên các diễn đàn về ảnh, nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng, một thị trường lành mạnh không chỉ dừng lại ở các giao dịch theo dạng “tiền trao cháo múc” mà những người tham gia cần có trách nhiệm nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình dựa trên quy định pháp luật của nước sở tại, tuân thủ các quy tắc của thị trường chung và có đạo đức về sáng tạo. Có thể thẳng thắn khẳng định một thị trường nhiếp ảnh như vậy chưa tồn tại ở Việt Nam, và cũng không thể một ngày tự nhiên sinh ra.
Trước đây, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từng thử nghiệm bán giúp ảnh của hội viên trông qua trang web của Hội nhưng đã thất bại. Thậm chí một số tổ chức tư nhân ở Việt Nam từng mở ngân hàng ảnh nhưng cũng có kết quả không như mong muốn. Ở đó nguyên nhân chủ yếu là không thống nhất tỷ lệ ăn chia, không giữ được bản quyền ảnh khi nghệ sĩ gửi file ảnh gốc, công tác quảng bá chưa hiệu quả.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải bày tỏ, hiện tại nhiếp ảnh chưa đưa đủ thông tin cho người chơi hiểu được giá trị thực sự của một tác phẩm in. Vậy nên rất khó để thuyết phục một người bình thường không biết gì về nhiếp ảnh bỏ tiền mua một tác phẩm nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia Bạch Nam Hải nhận định, chúng ta chưa hề có thị trường rõ ràng cho nhiếp ảnh. Hầu hết tác phẩm do nghệ sĩ yêu thích rồi tự chụp, tự in ấn theo gu của mình chứ chưa có môi trường vận hành chuyên nghiệp, vạch rõ hướng đi cho tác phẩm.
Có thể nói, ý tưởng về một thị trường nhiếp ảnh chuyên nghiệp tại Việt Nam đến nay vẫn đang còn nhiều khúc mắc chưa được tháo gỡ. Với những nghệ sĩ nhiếp ảnh ngoài việc sáng tác thỏa mãn đam mê thì việc bán tác phẩm vẫn còn khá mông lung. Còn với công chúng đang thiếu những “kênh” thông tin để tiếp cận những giá trị nghệ thuật của các tác phẩm nhiếp ảnh…Việt Nam đang thiếu một thị trường ảnh phát triển, minh bạch, cần tổ chức được ngân hàng ảnh là.m dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia, vừa khai thác phục vụ cộng đồng, vừa là cầu nối với người mua.