70 năm giải phóng Thủ đô

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức

Hoa Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, các doanh nghiệp buộc phải cố gắng hơn bao giờ hết để tìm ra động cơ đổi mới sáng tạo thích hợp, bởi “không thay đổi là chết và đổi mới là sống còn”.

Câu hỏi “Làm thế nào để dẫn dắt doanh nghiệp thành công bằng động cơ đổi mới trong thời kỳ biến thiên ảm đạm của nền kinh tế?” đã được các doanh nhân đào sâu trong InnoEx Forum 2023 - sự kiện thu hút sự góp mặt của hơn 2.000 doanh nhân, chuyên gia và các nhà đầu tư trên 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện

Động cơ đổi mới sáng tạo: Hiểu đúng, làm trúng

Theo ông Albert Antoine - thành viên ban cố vấn InnoEx 2023 - từng là cố vấn chiến lược về Đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học Dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore và nhiều công ty lớn của châu Á, đổi mới là chủ đề đã quen thuộc trên thế giới, và cũng đã được áp dụng nhiều tại Việt Nam. Thế nhưng, “Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, áp dụng đúng cách”.

Ông Albert phân tích thêm, có 3 dạng thức khác nhau của đổi mới sáng tạo, bao gồm: Đổi mới nhờ sự tình cờ hoặc cơ hội; Đổi mới sáng tạo mở, tức liên kết nhiều bên để đổi mới; và Đổi mới sáng tạo sinh tồn. Ông cũng nhận định, Việt Nam rất giỏi đổi mới sinh tồn nhưng hiện chưa có quy chuẩn nào để xác định đúng phương thức đổi mới này.

Có 3 phương thức được ông Albert đề xuất để thay đổi tư duy và cách làm để tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó trang bị động cơ đổi mới phù hợp cho doanh nghiệp. Ba phương thức này bao gồm: Tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng; Tối ưu quy trình; và Nâng cấp mô hình kinh doanh. Một trong những ví dụ nổi bật nhất về tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng là Netflix, với cơ chế đề xuất những bộ phim mới theo thói quen xem phim của người dùng. Cơ chế này đã và đang được áp dụng trên các sàn thương mại điện tử, góp phần cá nhân hóa trải nghiệm và thúc đẩy tăng trưởng.

Chung quy lại, đổi mới sáng tạo không phải khái niệm mới, nhưng trong thời kỳ thị trường kinh tế thế giới không ổn định như hiện nay, các doanh nghiệp cần quyết liệt hơn trong việc đổi mới để tìm lợi thế cạnh tranh mới. Ông Albert nhấn mạnh “đổi mới không chỉ là câu chuyện của chuyển đổi số hay có yếu tố công nghệ, đổi mới bắt đầu từ tư duy và nó là hành trang của mỗi doanh nhân trong hành trình kinh doanh”.

Trả lời câu hỏi: “Điều gì thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức? Ông nhấn mạnh 6 yếu tố, đó là: Tư duy lãnh đạo; Ý tưởng ​hay nhưng quan trọng vận hành; Thất bại nhanh và học nhanh; Bắt đầu nhỏ và bắt đầu sớm; Đặt các mốc quan trọng và đo lường KPI liên tục và Xây dựng văn hóa đổi mới mỗi ngày.”

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức - Ảnh 1


Không giới hạn sự đổi mới chỉ có ở các công ty start-up (công ty khởi nghiệp) hay các công ty vừa và nhỏ, chính những tập đoàn lớn với “tuổi đời” cao cũng hoàn toàn có khả năng “phá khung” và đổi mới. Bởi theo các chuyên gia, công ty dù lớn hay nhỏ cũng đều bắt đầu từ “start-up”. Đồng thời, trong nội tại các công ty lớn tồn tại một văn hóa đặc biệt: văn hóa tái sinh.Theo TS Nguyễn Thanh Mỹ, việc suy nghĩ ngoài khung (out of the box) là một trong những điều kiện tiên quyết mà những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần áp dụng. “Phải suy nghĩ ngoài cái khung được dạy, dám thách thức những hiện trạng dù đó là cả khoa học hiện tại để thay đổi đột phá. Nếu thay đổi chỉ dựa trên những cái được dạy từ trước sẽ không đổi mới được” - ông Mỹ chia sẻ.

Nghĩa là các công ty lớn, khi trải qua những giai đoạn thử thách, đã tìm ra cách tự thay đổi và biến hóa để thích nghi với điều kiện mới, từ đó trưởng thành hơn và tăng trưởng tốt hơn. Tất nhiên, các diễn giả cũng nhấn mạnh, mỗi quy mô và đặc tính doanh nghiệp sẽ có những “engine" đổi mới khác nhau.

Ông Trần Lệ Nguyên - Nhà đồng sáng lập, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Tập đoàn KIDO nhấn mạnh: “Trải qua đại dịch, chúng ta thấy hành vi người tiêu dùng đã thay đổi, vì vậy "xu hướng" là chìa khoá. Song song, kết hợp với công nghệ để đo lường liên tục để nắm bắt xu thế thị trường và đi vào bên trong doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của hành vi người tiêu dùng. Nhưng muốn mở rộng tư duy, chúng ta cần nắm bắt xu hướng thế giới.”

Ông Nguyên dẫn chứng: Vì sao mỗi gia đình đều có một thùng mì gói nhưng bây giờ thì ít? không phải do đối thủ ảnh hưởng mà do hành vi thay đổi, vì dịch vụ vận chuyển phát triển người ta ăn đồ tươi hơn nên không còn cần thùng mì gói đó nữa.

Đồng thời, cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp cũng là một trong những nguồn “nhiên liệu” quan trọng thúc đẩy động cơ đổi mới hoạt động. Để có thể thúc đẩy động cơ đổi mới hoạt động tốt, theo ông Trần Lệ Nguyên, chiến lược và văn hóa công ty là linh hồn, còn làm việc tập thể là quan trọng nhất.

Ngoài những yếu tố về tư duy hay văn hóa, tài chính cũng là một “nhiên liệu” được các chuyên gia nhắc đến nhiều khi nói về việc vận hành động cơ đổi mới. Ông Steven Trương - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VinBrain - cho biết, mỗi năm công ty này dành ra 5-7% ngân sách cho các dự án vườn ươm doanh nghiệp (incubator project). Ông Steven Trương chia sẻ: “Tại sao một tập đoàn 2.500 tỷ đô la như Microsoft luôn phải thay đổi? Vì không thay đổi sẽ chết”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ, nguồn ngân sách là yếu tố cần thiết khi thực hiện bất kỳ điều gì, nhưng đó không phải là vấn đề đầu tiên. Doanh nghiệp muốn đổi mới cần dựa trên phân khúc và nhu cầu khách hàng, từ đó tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt nhất để thu hút khách hàng.

“Công nghệ đắt chưa chắc là phù hợp. Chúng ta cần những văn hóa, đội nhóm có thể chiến đấu cùng nhau để có thể thay đổi, tạo nên một sản phẩm tốt hơn. Khi có kế hoạch rõ ràng như vậy thì chắc chắn sẽ có tiền”, ông Quang khẳng định. Lãnh đạo này cũng nhấn mạnh 2 động cơ của Cake trong đổi mới đó là: Tư duy khác biệt - không làm theo sản phẩm mà các đối tác khác làm mà làm mới; Tư duy thứ 2 là đổi mới sáng tạo là sống còn.

 

InnoEx là sự kiện quốc tế thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới và tăng trưởng dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực ASEAN. Sự kiện được bảo trợ bởi UBND TP Hồ Chí Minh, đồng tổ chức bởi Hội Doanh nhân Trẻ TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP.