Vẫn nghiêng về số lượngTheo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2017 là 6,4%, riêng quý III đã nhảy vọt lên tới 7,5%. Dự kiến, GDP quý IV còn có tốc độ tăng cao hơn nữa. Trong khi năm 2016, GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 5,93%; năm 2015 là 6,5%.
Thừa nhận những kết quả về tăng trưởng mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mức tăng trưởng trên đặt ra nhiều ý kiến khác nhau, không chỉ về số liệu mà còn ở cách nhìn triển vọng kinh tế. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhấn mạnh, cách tiếp cận vấn đề tăng trưởng ở Việt Nam vẫn bị lệch, nghiêng về số lượng, còn về chất lượng thì nói nhiều nhưng chưa đầy đủ. Ông Thiên đề xuất, không nên chạy theo tăng trưởng từng năm một và GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng để không gây áp lực cho Chính phủ.
|
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải |
Nói về chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng, phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề của Việt Nam hiện nay là thiếu nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế không tin tưởng vào số liệu thống kê. Phó Thủ tướng cho biết, cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng. Nếu không có nội hàm thống nhất thì mỗi bên sẽ có đánh giá khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Vấn đề tiếp theo là làm rõ động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cho rằng, giờ là lúc cần phân tích kỹ cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang ập đến. “Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp Nhân dân khi đó tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Quá nhiều... “mũi nhọn”Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã thảo luận và hiến kế để Việt Nam đạt tăng trưởng GDP bền vững, sâu về chất. Vấn đề được nói đến nhiều nhất là câu chuyện của 2 khối DN khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hiện có nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành 2 khu vực phát triển biệt lập nhau: FDI và khu vực trong nước. Và tìm cách để kết nối 2 khu vực này là bài toán cần phải tính đến. Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng, động lực cho tăng trưởng kinh tế hiện nay phân tán: “Nhiều người nói là nông nghiệp, kinh tế số, dịch vụ du lịch... Nhưng nếu chúng ta chọn nhiều mũi nhọn quá thì cuối cùng chả có cái gì nhọn cả. Chưa kể hiện Việt Nam còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng”.
Một thực tế khác được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra là DN Việt Nam hoạt động vẫn rất khó khăn. “Khối DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dễ hơn các DN nội địa trong nước. Đây chính là nguyên nhân khiến các chỉ số về điều kiện kinh doanh của Việt Nam được quốc tế đánh giá tốt hơn. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay vẫn tập trung chăm lo cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước. Điều này khiến chúng ta mất đi nhiều nguồn lực" - bà Lan nhấn mạnh.
Khi bàn về câu chuyện động lực nào cho tăng trưởng kinh tế, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, bài toán kép được đặt ra ở đây chính là tăng trưởng cao mà bền vững, hay là vừa tăng trưởng cao vừa tái cơ cấu. Và giải pháp được ông Lịch đưa ra là động lực cho tăng trưởng kinh tế là phải cải cách đồng bộ về thể chế gắn với nền hành chính công và tài chính công.
Ngoài ra, các giải pháp như tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn quốc tế tốt, giát sát và đo lường kết quả cải cách thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng đến cạnh tranh thị trường công bằng; thúc đẩy, gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, gia tăng năng suất lao động… là các giải pháp được giới chuyên gia hiến kế để tăng trưởng bền vững thực sự.
Cần chọn đúng trọng tâm phát triển, vì nếu chọn quá nhiều trọng tâm, trọng điểm thì thành mũi nhọn kiểu “gai mít”, cái gì cũng nhọn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Năm 2018, cần tiếp tục là năm cắt giảm chi phí cho DN bao gồm các giải pháp tiếp tục hạ lãi suất cho vay dựa trên giảm lãi suất huy động, giảm chi phí logistic cho DN. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung
Tại các nước, bộ máy hành chính tạo điều kiện cho DN thực thi. Nếu bộ máy hành chính chỉ muốn DN vi phạm để xử lý thì xử lý cũng chỉ như gãi ngứa mà thôi. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch |