Vẫn nặng tâm lý "sinh con dự phòng"
Tham gia cộng tác viên dân số từ năm 1993 đến nay, nhờ những kinh nghiệm cũng như uy tín của mình, gần 30 năm qua, bà Lê Thị Thắm, cộng tác viên dân số cụm 5, xã Thọ An (Đan Phượng) đã vận động thành công nhiều chị em phụ nữ thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). “Mỗi khi phát hiện những trường hợp có nguy cơ sinh con thứ 3 (dù là trường hợp có cuộc sống khá giả hay khó khăn), cộng tác viên dân số phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở cụm dân cư sẵn sàng đến truyền thông trực tiếp, động viên, phân tích để các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu và bỏ ý định sinh con thứ 3” - bà Thắm chia sẻ.
Hiện nay, tại cụm 5, xã Thọ An có gần 300 hộ dân chia làm 2 địa bàn. Năm 2019, trong địa bàn bà Thắm phụ trách, có 8 trẻ được sinh ra, chỉ có 1 trẻ là con thứ 3 chiếm tỷ lệ 12,5%. 6 tháng qua, chưa phát hiện chị em nào mang bầu con thứ 3 trở lên. Nhờ những giải pháp, việc làm thiết thực của các cộng tác viên dân số như bà Thắm cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, công tác dân số cũng như tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Thọ An có chuyển biến tích cực. Nếu như 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ sinh con thứ 3 của xã Thọ An ở mức 9,33% thì 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống 8,64%.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn huyện cũng như các xã gặp không ít khó khăn. Khi nhiều gia đình có tư tưởng phải đẻ con trai để “nối dõi tông đường” và "đông con đông của". Nhất là tình trạng sinh con thứ 3 trở lên lại nằm trong đối tượng giáo viên - là những người có trình độ và hiểu biết. Hay với suy nghĩ sinh nhiều con kinh tế khó khăn thì được xét hộ nghèo và được hưởng nguồn hỗ trợ của Nhà nước nên nhiều gia đình ở đây “không sợ đẻ”. Điều đáng nói, tỷ lệ sinh con thứ 3 lại rơi vào những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả với lý do trong cuộc sống có nhiều bất trắc xảy ra, sinh con để "dự phòng".
6 tháng qua, trên địa bàn huyện Đan Phượng, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm 11,2%, tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn cao so với mặt bằng chung của TP. Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao chủ yếu ở các xã Đan Phượng (21,28%); Hồng Hà (16,48%); Liên Hà (14,58%)… Trên thực tế, ở những nơi có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên gia tăng cũng chính là địa bàn có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao. Điều này gây ra khó khăn cho việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Truyền thông thay đổi hành vi
Để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, bà Nguyễn Thị Hoa - cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Liên Hồng cho rằng, ngoài nỗ lực của cán bộ dân số, vai trò gương mẫu tự giác chấp hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng phải được nâng cao. Cán bộ chuyên trách phải tuyên truyên sao cho mỗi người dân phải quan tâm sức khỏe và chủ động KHHGĐ cho chính gia đình mình, không chờ đến sự vận động của cán bộ.
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Anh Tâm cho rằng, lấy truyền thông trực tiếp, vận động, thuyết phục tập trung vào cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng cao.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Gia Phúc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp là nguyên nhân cơ bản của tâm lý “khát” con trai. Vì vậy, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài. “Bên cạnh đó, nên có những biện pháp đủ mạnh để xử lý những người vi phạm chính sách dân số KHHGĐ. Đồng thời, các cấp cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra ở các cấp về vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế ngoài công lập” - ông Phúc nêu.