Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp giữ hồn cho di sản thế giới tại Việt Nam

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tác động xấu bởi môi trường, nhà cổ bị chia năm xẻ bảy, khó khăn phát huy các di tích khảo cổ… là vấn đề hiện nay đặt ra với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Từ TP dưỡng già thành TP du lịch di sản

Tại Việt Nam, từ khi phê chuẩn Công ước 1972 đến nay, đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An.

Người dân sống trong phố cổ Hội An sơn sửa lại nhà. Ảnh: Lại Tấn.
Người dân sống trong phố cổ Hội An sơn sửa lại nhà. Ảnh: Lại Tấn.

Thời gian qua, các địa phương sở hữu di sản đã có những giải pháp hạn chế tác động cực đoan từ thiên nhiên và con người; tối ưu hóa phúc lợi của người dân địa phương thông qua sự tham gia nhiều hơn của các cộng đồng; có giải pháp hài hòa nhu cầu về cơ sở hạ tầng, điều kiện sống mà không ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn di sản. 

 

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cần phải lồng ghép nhiều giải pháp. Những giải pháp đó có thể nằm ngoài việc bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Bởi trong công tác bảo tồn phải tính đến sự hài hòa giữa giá trị truyền thống và vấn đề đương đại. Nếu không có tầm nhìn tổng thể, các di sản sẽ chỉ là phần nối dài của quá khứ.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo

Theo Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn: Sau 20 năm được ghi danh di sản UNESCO, Hội An đã trở mình từ TP đang "dưỡng già" thành địa danh du lịch nổi tiếng. Hội An đón 5,5 triệu lượt du khách vào 2019, trong đó trên 3 triệu lượt khách quốc tế. Đô thị cổ này chọn phát triển theo bề sâu, xây dựng định hướng phố trong làng, làng trong phố, nói không với đường lớn và công trình đồ sộ.

Tuy thực tế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển vẫn hiện hữu. Tại Hội An, do đặc thù phần lớn di tích của người dân, đa phần phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán nên có tình trạng cơi nới, cải tạo biến dạng di sản. Nguyên nhân là do di sản do nhà cổ có nhiều thế hệ, không phân chia lợi ích được, hay nhiều người bán di sản chia cho các thành viên trong gia đình. “Nếu không có chính sách hợp lý một ngày nào đó di sản sẽ mất đi cái hồn trong nhà cổ" - Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Tại Huế, bài toán đặt ra là làm sao bảo tồn và quy tụ được các cổ vật? Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chia sẻ: Có nhiều cổ vật của các vua thời Nguyễn đã không còn ở Huế. Có những cổ vật khác cũng của nhà Nguyễn đôi khi đột nhiên xuất hiện nhưng trung tâm không thể mua về. Cùng với đó, Huế gặp khó khăn trong về chuyên gia, nguyên liệu truyền thống trong việc trùng tu các lăng tẩm.

Khách du lịch tham quan danh thắng Tràng An. Ảnh: NSNA Văn Phúc.
Khách du lịch tham quan danh thắng Tràng An. Ảnh: NSNA Văn Phúc.

Giống với nhiều di sản khác, Quần thể danh thắng Tràng An cũng phải đối mặt với bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Với diện tích vùng lõi hơn 6.000 ha, bao trùm trên 12 xã với hơn 20.000 cư dân sinh sống, quần thể danh thắng chịu sức ép không chỉ từ bảo đảm sinh kế cho cộng đồng dân cư, mà còn ở nhu cầu nhà ở, hạ tầng cơ sở, an sinh xã hội, giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan làng xóm các khu dân cư mà không ảnh hưởng tới các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.

Tại Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học phải nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra các hướng giải quyết thận trọng và khoa học từ nhiều góc độ khác nhau”.

Mỗi nơi quản lý một kiểu

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam chỉ ra, việc quản lý, phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam hiện rất bất cập, không có sự thống nhất, nơi  thuộc UBND tỉnh, TP; nơi thuộc sở, nơi lại do quận, huyện… quản lý, như vậy không bảo đảm được sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản.

Quang cảnh khu khai quật khảo cổ học chính điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long năm 2022. Ảnh: Lại Tấn.
Quang cảnh khu khai quật khảo cổ học chính điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long năm 2022. Ảnh: Lại Tấn.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, lãnh đạo địa phương hay hỏi tại sao phải khai quật khảo cổ học nhiều thế, trong khi đó việc khai quật khảo cổ với các di tích, phế tích là thường xuyên. Vì vậy, PGS. TS Tống Trung Tín rất mong nhận thức về việc này của lãnh đạo thay đổi.

Cũng về công tác nghiên cứu, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Hiện nay, nguồn tư liệu liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam còn rải rác ở nhiều nơi, trong đó có cả ở nước ngoài. Cần có cơ chế và đầu tư thích đáng tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu này, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả trong đời sống.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.