|
Chăm sóc đàn lợn giống tại huyện Đông Anh. |
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng 120.642 con lợn giống cụ kỵ, ông bà đang được chăn nuôi tại 240 cơ sở. Đây là đàn lợn giống có giá trị cao, phần lớn được nhập từ nước ngoài như Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain… Đáng chú ý, có đến 80% tổng đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà đang được nuôi tại các trang trại của nhiều DN, bao gồm cả các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước. Điều này cho thấy vai trò rất lớn của các DN đối với nhiệm vụ bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà.
Mỗi năm Việt Nam hiện vẫn nhập khẩu bổ sung trung bình từ 1.500 - 2.000 lợn giống cụ kỵ, ông bà để sản xuất giống có năng suất cao và cải tiến năng suất đàn lợn trong nước. Việc bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà vẫn là nhiệm vụ then chốt nhằm tái đàn hiệu quả khi kiểm soát được dịch bệnh. Mặc dù vậy, trong bối cảnh dịch tả lợn tiếp tục lan rộng, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong nhiệm vụ quan trọng này.
Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, tổ chức, DN và người chăn nuôi tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh cho đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà. Vừa qua, Bộ NN&PTNT có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chủ cơ sở chăn nuôi lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con, ít nhất là từ nay tới hết ngày 31/12/2019. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quy định hỗ trợ, các chủ cơ sở chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà. Bởi đây không chỉ là “cần câu cơm”, mà còn là “chìa khóa” phục vụ tái đàn sau dịch. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm, Bộ sẽ sớm họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để có cơ chế hỗ trợ các DN chăn nuôi lớn.