[Tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội] Bài 3: Phát triển không gian sáng tạo cho Hà Nội

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không gian sáng tạo - mũi nhọn tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội đang dần được kiến tạo. Các không gian này đang tạo nên bản sắc mới cho Hà Nội. Tuy nhiên, so với tiềm năng và xu hướng phát triển hiện nay thì việc phát triển không gian sáng tạo của Hà Nội còn gặp nhiều hạn chế.

Mũi nhọn trong tiềm năng phát triển
Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, Hà Nội trong những năm qua đang nỗ lực để tạo ra các không gian sáng tạo nhằm tập trung, kết nối các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo… Những không gian văn hóa sáng tạo đã góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của cộng đồng như Hà Nội có phố đi bộ Hồ Gươm, phố sách, phố Bích họa Phùng Hưng, Cà phê thứ Bảy, Ơ kìa, Hà Nội, Heritage Space…

Thí điểm từ sớm và cũng từng thất bại, để rồi sau 15 năm từ ý tưởng ban đầu Hà Nội đã có được những không gian đi bộ đúng nghĩa. Khách du lịch đến với không gian đi bộ xung quanh Hồ Gươm hay không gian văn hóa bích họa Phùng Hưng không chỉ để thỏa mãn sự thích thú khi được đi bộ dưới đường phố trung tâm Thủ đô mà còn bị níu chân bởi các chương trình văn hóa vừa mang tính đặc trưng vùng miền, vừa mang tính quốc tế. Ở đó, tinh thần sáng tạo cả tất cả các loại hình văn hóa kinh tế của Hà Nội được thỏa sức trình diễn và luôn đón nhận được số đông người quan tâm. Trong không gian của phố đi bộ quanh Hồ Gươm du khách có thể ghé chân đến tượng đài vua Lý nghe các chương trình âm nhạc về Hà Nội, hay qua tượng đài vua Lê nghe làn điệu xẩm đường phố. Hoặc du khách cũng có thể dừng chân trước bức phù điêu mùa Xuân 1946 để nghe quan họ, ca trù…
 Complex - một không gian sáng tạo được hình thành trên nền nhà máy cũ tại phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội).
Và ở chính giữa của không gian đi bộ quanh Hồ Gươm là công viên tượng đài vua Lý Thái Tổ mỗi năm có hàng chục sự kiện giới thiệu quảng bá du lịch, làng nghề, giao lưu hợp tác với tỉnh bạn và quốc tế trong không gian mở. Chính sự phát triển mạnh mẽ của không gian sáng tạo này đã thúc đẩy Hà Nội dự kiến hình thành nên các không gian kết nối như: Không gian bích họa Phùng Hưng, Bảo tàng Lịch sử, Nhà hát Lớn Hà Nội; xa hơn là Bảo tàng Mỹ thuật, Quảng trường Ba Đình, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long…

Không chỉ có các không gian lớn, ở Hà Nội, hiện nay có nhiều không gian văn hóa sáng tạo hoạt động mạnh mẽ. Ví như không gian sáng tạo “Ơ kìa, Hà Nội” do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khởi xướng đã có nhiều hoạt động văn hóa bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng. Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng do 16 nghệ sĩ khởi xướng nhằm cải tạo con đường ven bờ sông Hồng (Phúc Tân - Hoàn Kiếm - Hà Nội) từ tháng 2/2020 cũng là một không gian sáng tạo mới. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế - một thành viên của dự án chia sẻ rằng: Nhóm nghệ sĩ quyết tâm làm sạch đẹp một không gian thơ mộng bên sông Hồng. Kiến tạo không gian đang trở thành hướng đi được nhiều địa phương trong đó có Hà Nội chú trọng thúc đẩy, mang tới những lợi ích cho cộng đồng, thu hút sự tham gia của các thành viên ở nhiều lĩnh vực.

Thách thức sáng tạo

Có thể nói, tiềm năng để tạo các không gian sáng tạo của Hà Nội là vô cùng lớn, nhưng để thành hiện thực lại đang gặp những thách thức không hề nhỏ. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người sáng lập “Ơ kìa Hà Nội” từng chia sẻ rằng, chị và nhiều nghệ sĩ đã rất trầy trật trong việc tìm kiếm địa điểm tổ chức không gian văn hóa sáng tạo như mong muốn. Một lần, nhóm từng “ngắm” được một khu vực gần nơi gửi xe, hầu như bỏ không của một trường đại học lớn. Khi nhận được sự ủng hộ của nhà trường, họ đã vô cùng mừng vui và muốn biến khu vực vốn lộn xộn này thành không gian sáng tạo độc đáo. Nhưng, sau đó, mong muốn này không thành hiện thực vì nhà trường thông báo là… vướng một số quy định pháp luật hiện hành.

Giám đốc nghệ thuật Heritage Space - ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận định, hạ tầng cho các không gian sáng tạo hiện nay còn nhiều hạn chế và ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Tại đô thị lớn như Hà Nội, chỉ có một số ít không gian văn hóa sáng tạo được bảo trợ. Về nghệ thuật thị giác, có VICAS art studio tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA. Về kiến trúc có Think Playground. Về phim, có Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có khá nhiều không gian văn hóa sáng tạo tự túc như “Ơ kìa Hà Nội”, “Tổ chim xanh”, “Chula, “Kilomet 109, “VỤN art”, “Tò He”. Nhiều không gian văn hóa sáng tạo hoạt động hiệu quả dù chỉ tồn tại trên môi trường trực tuyến…

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Anh Tuấn, nhiều nhà nghiên cứu khác trong mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” như PGS.TS Phạm Thúy Loan, Thạc sĩ Lê Quang Bình, TS Trương Ngọc Lân cũng cho rằng: Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung còn khan hiếm không gian sáng tạo. Hơn nữa, các không gian sáng tạo này thường nhỏ lẻ, hoạt động tách biệt nên không tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng cần thiết để phát triển, lan tỏa. Thách thức cho rất nhiều những nhà sáng lập các không gian sáng tạo là mặt bằng.

Hiện nay, các không gian sáng tạo đa số phải thuê mặt bằng và đối mặt với sự bất ổn từ phía chủ nhà. Họ cũng thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Các không gian sáng tạo chưa thực sự được nhận thức như là một loại hình kinh doanh đặc biệt để được hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện ưu tiên. Vì vậy, các không gian sáng tạo này gặp nhiều hạn chế trong việc đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Nhiều chuyên gia nhận định, câu chuyện về không gian sáng tạo, về công nghiệp văn hóa đã được đề cập trên diễn đàn Quốc hội. Trong các tọa đàm tham vấn về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, do Thành ủy Hà Nội tổ chức gần đây, những người sáng lập các không gian văn hóa đã được mời đến và phát biểu. Đây là những tín hiệu tích cực cho phát triển không gian văn hóa sáng tạo. Trong thời gian tới, để các không gian sáng tạo có vị trí tốt hơn trong xã hội, ngoài những nỗ lực của cộng đồng, những người hoạt động sáng tạo trong tổ chức xây dựng, vận hành các không gian sáng tạo, thì cần nỗ lực quan tâm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để có chính sách phù hợp, tích cực hơn đối với các không gian sáng tạo…

(Còn nữa)
"Không gian sáng tạo là nơi truyền cảm hứng sáng tạo, tập hợp cá nhân sáng tạo, có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng chưa được quan tâm một cách tương xứng. Các không gian văn hóa sáng tạo chưa được đối xử bình đẳng, chưa được nhìn nhận là nơi tạo ra sự phát triển, hấp dẫn của một đô thị. Nhiều năm trước, đây cũng là câu chuyện gây nhiều lúng túng khi xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người đã quan tâm hơn đến không gian sáng tạo, đến công nghiệp văn hóa." - Điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống Lê Quang Bình

"Chúng ta không thể ứng xử với các không gian sáng tạo như các DN bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng. Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác với thông thường, vì vậy, TP cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế, xác định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng, thì các không gian sáng tạo ở thủ đô mới có thêm cơ hội phát triển." - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội - KTS Trần Huy Ánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần