Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ hội thảo này hướng đến mục tiêu "tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL".
Khó khăn tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn như: Rủi ro - thiên tai - biến đổi khí hậu. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún: Phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn. Điều này khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng.
Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Cần Thơ được quy hoạch Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL. Bên cạnh đó, Cần Thơ còn là trung tâm vùng ĐBSCL, điều kiện kết nối giao thông thuận lợi, đất đai phì nhiêu, thuận lợi để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, tập trung nông sản của cả vùng để chế biến…
Nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh này, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường mong rằng, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tập trung quan tâm nhiều hơn nữa đến thành phố Cần Thơ, tìm cơ hội đầu tư các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung.
Đặc biệt, triển khai các dự án Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại TP Cần Thơ; các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu chăn nuôi tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tìm giải pháp thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản
Việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, cần tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ xuất khẩu lúa gạo, thủy sản nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư; hướng dòng vốn tín dụng vào các chương trình tín dụng xanh, tín dụng phục vụ xuất khẩu, tín dụng theo các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng và giải pháp nguồn vốn nông nghiệp - nông thôn; tiếp cận tín dụng cho nông sản chủ lực ở ĐBSCL - từ góc nhìn doanh nghiệp; giải pháp mở rộng tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực tại ĐBSCL.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có chính sách để có nguồn tín dụng với lãi suất phù hợp cho hoạt động dự trữ nguyên liệu theo thời vụ thu hoạch. Bên cạnh vấn đề lãi suất, đề nghị quan tâm đến chính sách phân bổ nguồn tín dụng thông qua quy định các điều kiện phù hợp giúp các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự dễ dàng tiếp cận, giúp cho hoạt động tín dụng ổn định và lâu dài...