Chuyện về họa sĩ vẽ Quốc huy
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Bước sang những năm 1950, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để tiếp tục củng cố, thiết lập, mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao có công văn gửi Ban Thường trực Quốc hội về việc đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn. Năm 1951, cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy được phát động, thu hút sự tham gia của đông đảo họa sĩ trên cả nước.
Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915 - 1992), tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1936 – 1941), là người Việt Nam vẽ tem bưu chính đầu tiên ở Đông Dương. Năm 1953, ông được biệt phái làm nhiệm vụ sáng tạo mẫu Bằng khen, Huân chương, Huy chương cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và bắt đầu tham gia cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy. Bằng tài năng và sự lao động miệt mài, nghiêm túc, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam vô cùng ấn tượng với 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chì chi tiết.
Trong di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” của họa sĩ Bùi Trang Chước có đoạn: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bùi Trang Chước là một họa sĩ tài năng, đặc biệt ở mảng đồ họa. "Ông không chỉ là một danh họa mà còn là một nghệ sĩ cả đời thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước và dân tộc, không hề nghĩ đến công danh" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.
Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh với thiết kế mẫu Huân chương bao gồm Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm Khu gang thép Thái Nguyên.
Dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, các tác phẩm thiết kế mang tính lịch sử của họa sĩ Bùi Trang Chước và gần 50 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2022 đến gần hơn với công chúng qua triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tôn vinh thành tựu trong sáng tác nghệ thuật
Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, gần 50 tác phẩm, cụm tác phẩm được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 là các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của các tác giả, được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao và được Nhà nước ghi nhận. Đó là những tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh mang giá trị nghệ thuật cao, nội dung tư tưởng sâu sắc, phản ánh chân thực, đậm nét những giai đoạn mang tính lịch sử của dân tộc.
Bên cạnh họa sĩ Bùi Trang Chước, hai tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh có tác phẩm được trưng bày là nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Nguyên Nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Bộ ảnh “Hai người lính” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành cũng thu hút sự chú ý của khách tham quan. Ảnh được chụp vào mùa Xuân năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
“Triển lãm là hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây cũng là dịp để công chúng có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu, thưởng thức trực tiếp các tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ, có nội dung, tư tưởng sâu sắc” - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 8/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.