Tìm hướng cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bàn tròn quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia...

Bàn tròn quốc tế “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Australia... đã diễn ra tại Hà Nội, đúng vào Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và dịp di sản Hoàng thành Thăng Long kỷ niệm 5 năm đón nhận danh hiệu di sản thế giới.

Không nóng vội phục dựng

Có mặt ở Hà Nội, bà Mechthid Roessler – Giám đốc Trung tâm di sản thế giới của UNESCO đánh giá cao quá trình gìn giữ, cũng như những phác lộ mới được nghiên cứu làm nổi bật giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất của bà Mechthid Roessler cũng như của các đại biểu tham dự hội thảo là câu chuyện nghiên cứu “nhỏ giọt” của Việt Nam đối với di sản.
Khách tham quan khu di tích Hòang thành Thăng Long.	 Ảnh: Thanh Thảo
Khách tham quan khu di tích Hòang thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Thảo
GS sử học Lê Văn Lan cũng khuyến cáo các nhà làm di sản Việt hãy trả lại cho Hoàng thành Thăng Long những cảnh quan đúng với các thời đại lịch sử. Theo dõi quá trình bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long từ các phương tiện truyền thông đại chúng, GS William Logan đến từ Khoa Giáo dục và Nghệ thuật, trường Đại học Deakin (Australia) lại lo lắng việc phục dựng điện Kính Thiên có thể ảnh hưởng đến kiến trúc nhà Rồng (di sản thời Pháp), được các nhà nghiên cứu cho rằng đang tồn tại trên nền Điện Kính Thiên thời Lý và thời Nguyễn. Giải tỏa những lo lắng của các đại biểu tham dự hội nghị, GS Phan Huy Lê khẳng định: “5 năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực tiếp tục nghiên cứu về giá trị Hoàng thành Thăng Long qua công tác khảo cổ, cứ liệu lịch sử… Qua kết quả nghiên cứu trong phạm vi hẹp Bắc Đoan Môn, Điện Kính Thiên cho phép khẳng định hoàn toàn khu Đoan Môn đến điện Kính Thiên là trung tâm Cấm thành Thăng Long thời Lê”. GS Tống Trung Tín cho rằng, mặc dù các hố khai quật chỉ được mở rộng trong phạm vi 400m2 đến 900m2 nhưng đã tìm ra Đan Trì của kinh thành Thăng Long. Trong phạm vi thành cổ Hà Nội di tích cũng dày đặc, có bề dày lịch sử văn hóa không kém gì khu 18 Hoàng Diệu”.

Mặc dù phạm vi nghiên cứu chưa thấm gì với giá trị vốn có của di tích. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, bài toán bảo tồn và phát huy giá trị của nơi có di sản chồng lên di sản như Hoàng thành Thăng Long luôn làm đau đầu các nhà khoa học. Công trình nào tồn tại trên mặt đất có thể phá dỡ, di tích nào có thể di chuyển để phục vụ nghiên cứu khảo cổ dưới lòng đất lại là cả câu chuyện dài gây tranh cãi. “Nơi đây, phải có bài toán chọn cái gì, phải hy sinh cái gì. Không đơn giản nói hy sinh là hy sinh ngay được, mà phải so sánh với giá trị di sản ấy. Tìm ra phương án tối ưu đừng mất cái gì là tốt nhất. Việc này không phải cá nhân, một cấp chính quyền, đòi hỏi trí tuệ các nhà khoa học trong và ngoài nước” – TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết. Trao đổi kinh nghiệm phục dựng các kinh thành xưa kia của Nhật Bản, Hàn Quốc, GS Inoue Kazuto – trường Đại học Meiji (Nhật Bản) và ông Cho Kyu Hyung – Tổng Cục di sản văn hóa Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc cần 50 năm đến hơn 1 thế kỷ để phục dựng cung Heijo và cung Changdeokgung. Chính vì vậy, Việt Nam cũng không thể nóng vội phục dựng Điện Kính Thiên, lễ hội đèn Quảng Chiếu trong một vài năm sắp tới.

Có nên “ăn thiên tử, ngủ đế vương”?

Bên cạnh nỗi lo bảo tồn, di sản Hoàng thành Thăng Long đang đối mặt với bài toán kém hấp dẫn du khách. Theo giới hạn cho phép, một năm Hoàng thành Thăng Long được đón khoảng 2 triệu lượt du khách. Thế nhưng, nhìn vào con số thống kê, từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm di sản thế giới tại Hà Nội chỉ đón từ 120.000 đến 160.000 lượt khách, nghĩa là chưa đến 10% tiềm năng. GS sử học Lê Văn Lan nhận xét: “Khách trong nước đến với Trung tâm Hoàng thành hiện nay chủ yếu là giới trẻ và mục đích chụp ảnh với cổng Đoan Môn cổ kính, chứ thực sự họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu sâu về giá trị lịch sử. Còn những khách từ các vùng miền trong cả nước đến tham quan Trung tâm Hoàng thành mà tôi có dịp tiếp xúc thì bày tỏ sự thất vọng. Lý do là nhắc đến Hoàng thành, họ cứ nghĩ đó là những lâu đài thành quách cổ kính như kinh thành Huế, nhưng thực ra toàn thấy nhà “Tây”. Với khách nước ngoài, họ lại ấn tượng nhất là khu hầm tránh bom D67 bởi được giới thiệu đây là nơi… tránh được bom nguyên tử, trong khi đó những giá trị văn hóa tầng tầng lớp lớp của khu di sản lại ít được khách nhớ đến do thuyết minh thiếu sinh động”.

Có rất nhiều công ty lữ hành, nhà nghiên cứu du lịch đã hiến kế để Hoàng thành Thăng Long là điểm đến “hút khách”. Từ việc đưa nơi đây thành địa điểm ưu tiên đón khách của Hà Nội, tăng cường các hoạt động văn hóa ngay trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long… TS Dương Văn Sáu – khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội còn mạnh dạn đề xuất phương án bảo tồn động, với một chương trình dấu ấn Thăng Long, giúp du khách có thể trải nghiệm cuộc sống “ăn thiên tử, ngủ đế vương” ngay trong lòng di tích. TS Dương Văn Sáu chia sẻ: Có thể phục dựng khu vực Hậu Lâu, tái hiện một phần nào đó sinh hoạt cung đình bên rìa chính sự. Hay tại các khu vực Cửa Bắc, Đoan Môn hoàn toàn có thể tái hiện các nghi thức hoạt động của cấm binh thời phong kiến”.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long như thế nào sẽ là cả một câu chuyện dài của những người làm văn hóa Hà Nội, điều này còn liên quan đến việc hoàn tất bàn giao mặt bằng, bàn giao hiện vật. GS Phan Huy Lê khẳng định, Hà Nội đang nỗ lực để bảo tồn di sản, và không bao giờ quên những cam kết như lời hẹn ước với UNESCO 5 năm về trước.