Ngày 5/7, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Điện Quang đã phối hợp cùng Công ty CP Công nghệ XeLex tổ chức hội thảo Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông “Make in Viet Nam”.
Hội thảo đã quy tụ khoảng 250 tham dự viên là đại diện các Bộ ngành, cơ quan Nhà nước; đại diện các trường Đại học; doanh nghiệp tiêu biểu của ngành công nghiệp điện - điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ…
Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của các diễn giả là chuyên gia hàng đầu người Việt Nam tại Mỹ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo như: Ông Jon Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc Nhà sáng lập Tập đoàn Công Nghệ XeLex; ông Khanh Nguyễn - Lãnh đạo cấp cao mảng Công nghệ Tập đoàn Cisco - USA; ông Sang Nguyễn - Giám đốc bộ phận thiết kế Chip AI XeLex - USA; ông Christopher Hoàng - Giám đốc bộ phận Thiết kế Chip lưu trữ (SSD) XeLex - USA và ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám Đốc Công ty Qualcomm Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, trao đổi về thực trạng ngành công nghiệp điện tử, CNTT và viễn thông Việt Nam, từ đó, đề xuất phương thức phát triển đúng hướng, đồng bộ và bền vững cho ngành. Ngoài ra, các vấn đề liên quan mật thiết đến nghiên cứu và chế tạo chip như: Trí tuệ nhân tạo, làm chủ thiết kế Chip AI/Chip nhớ... đã được các chuyên gia trình bày cụ thể.
Trong quy hoạch công nghiệp Việt Nam giai đoạn năm 2016 - 2020 tầm nhìn 2030, tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn năm 2016 - 2020 đạt 17 - 18%/năm; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 - 21%/năm. Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.
Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện Quang cho biết, ngành điện tử - viễn thông và công nghệ thông tin là một ngành kinh tế quan trọng, có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành CNTT - viễn thông Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD; công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD; công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD…
“Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành CNTT - viễn thông Việt Nam đạt gần 65 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt khoảng 57,6 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng doanh thu công nghiệp ICT. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 50,5 tỷ USD, chiếm khoảng 31,6% giá trị xuất khẩu của cả nước với giá trị xuất siêu ước đạt gần 7,7 tỷ USD. Những số liệu trên cho thấy tiềm năng và cơ hội to lớn của ngành điện tử-viễn thông và CNTT” - ông Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, kết quả trên bắt nguồn từ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Chính phủ và các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh trong hoạt động sản xuất và đời sống.
Cùng với đó là xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung của các tập đoàn toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra và là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu tiếp tục nắm bắt tốt thời cơ này.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang cũng cho rằng, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do thiếu các đơn vị sản xuất, có đủ năng lực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa làm chủ được công nghệ do thiếu năng lực thiết kế, R&D.
“Điều này thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19 khi hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt là rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu chip và các linh kiện điện tử” - ông Hưng nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ái Hữu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công Nghệ XeLex cho biết, ngành công nghiệp điện tử là một ngành công nghệ cao rất đặc biệt.
Do vậy, sự thành công của nền công nghiệp điện tử của Việt Nam không những đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ mà còn cần có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng.
“Với tình hình của nền công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay, sự đồng lòng, chung tay góp sức của các chuyên gia từ thung lũng Silicon - cái nôi công nghệ của nước Mỹ và thế giới - đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của ngành điện tử, CNTT và viễn thông của đất nước trong giai đoạn tới” - ông Hữu chia sẻ.
Dịp này, Công ty Điện Quang và XeLex đã ký kết hợp tác chiến lược để cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu “Make in Việt Nam”.
Theo đó, trong thời gian tới, Điện Quang sẽ trở thành đối tác chiến lược không những hợp tác sản xuất mà còn cung cấp các thành phần linh kiện khác phục vụ cho các dòng sản phẩm máy tính bảng, laptop, máy server và các thiết bị điện tử của XeLex.
Việc ký kết hợp tác lần này giữa hai doanh nghiệp đã mở ra nhiều kỳ vọng cho tương lai ngành công nghiệp điện tử, CNTT và viễn thông 5G Việt Nam nói chung và hai doanh nghiệp XeLex và Điện Quang nói riêng. Đây cũng được xem là tiền đề để cộng đồng điện tử, CNTT, viễn thông và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ bắt tay nhau cho ra đời các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao ở trong nước.