Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm hướng phát triển kinh tế xanh cho vùng Đông Nam bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính đã cùng nhau thảo luận về hướng phát triển kinh tế xanh để đưa vùng Đông Nam bộ trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Chiều ngày 29/7, tại Hội trường Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh, Thời báo Tài chính Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”.

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ và lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing… Tham dự Diễn đàn còn có đại diện một số bộ, ngành liên quan, gần 200 doanh nghiệp và các hội, hiệp hội doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ…

Diễn đàn thu hút lãnh đạo các tỉnh thành và doanh nghiệp. Ảnh: Việt Tâm.
Diễn đàn thu hút lãnh đạo các tỉnh thành và doanh nghiệp. Ảnh: Việt Tâm.

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể.

Theo TS. Phạm Thu Phong, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia.

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

“Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước…” – TS. Phạm Thu Phong nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn các diễn giả là Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành như PGS. TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; PGS. TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Maketting; PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã cùng thảo luận về: Xu hướng kinh tế xanh trong thời điểm hiện tại; Bài toán đặt ra cho sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ; Giải pháp để phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng cầu nối đầu tư giữa “cung” và “cầu” gắn với phục hồi xanh; Các chính sách hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp và phát triển theo hướng “xanh hóa” hoạt động sản xuất kinh doanh…

PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, tăng trưởng xanh là tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sống bền vững. Tuy nhiên, không phải chủ thể kinh tế nào khi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chú trọng tới yếu tố bảo vệ môi trường do chi phí cao. Không những thế, các dự án cho mục tiêu bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững không thu hút, hấp dẫn được nhà đầu tư do chi phí cao trong khi lợi nhuận thu được không nhiều.

“Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ các quốc gia sẽ phải có chính sách thu hút vốn cho tăng trưởng xanh bằng nhiều công cụ trên thị trường tiền tệ và thị trường tín dụng” - PGS.TS. Phạm Tiến Đạt chia sẻ.

Các chuyên gia chia sẻ tham luận để tìm hướng phát triển kinh tế xanh cho khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Việt Tâm.
Các chuyên gia chia sẻ tham luận để tìm hướng phát triển kinh tế xanh cho khu vực Đông Nam bộ. Ảnh: Việt Tâm.

PGS.TS. Phạm Tiến Đạt cũng cho biết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, tăng trưởng tín dụng xanh cần được thúc đẩy trong giai đoạn tới.

Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng xanh, cần xây dựng một kế hoạch đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể, cũng như có cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực… nhằm đảm bảo hệ thống tài chính tín dụng phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế thúc đẩy tài chính xanh.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có bốn lý do cần “phục hồi xanh” bởi xuất phát mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khỏe (nhất là bối cảnh dịch bệnh gia tăng….); Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học (tổn thất có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100); hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn nhiều: cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm (so với đầu tư năng lượng hóa thạch) và tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết, tài chính xanh trên thế giới trong năm 2021, công cụ nợ giá trị 1,6 nghìn tỷ USD đã được phát hành, đưa tổng giá trị thị trường tài chính bền vững đạt mốc 4 nghìn tỷ USD lần đầu tiên.

Cơ cấu thị trường phát hành trái phiếu xanh chiếm 38% tổng lượng phát hành năm 2021, trị giá 620 tỷ USD (tăng 100% so với năm 2020); các khoản tín dụng bền vững đạt 453 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng số phát hành; phát hành trái phiếu xã hội đạt 210 tỷ USD, chiếm 13%.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để đạt được kết quả ngoài các giải pháp về chính sách cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tàichính xanh với chiến lược phát triển chung KT-XH.

Riêng đối với các địa phương khu vực Đông Nam bộ cần xây dựng và thực thi chương trình, kế hoạch tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong phạm vi, thẩm quyền. Song song đó là lựa chọn 1 số lĩnh vực, dự án ưu tiên cụ thể và có lộ trình, giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi…; áp dụng 1 số chính sách khuyến khích và chế tài phù hợp.

Ngoài ra, khu vực này cũng cần xây dựng và thực thi “văn hóa xanh” như TP Huế đang làm khá tốt. Đồng thời, khu vực Đông Nam bộ cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và xử lý rác thải, vấn đề cấp - thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…là rất thiết thực; có phương án huy động nguồn lực, tài chính xanh khả thi, phù hợp.