Tìm khung tiêu chuẩn cho thực phẩm: Dung sai càng nhỏ, người tiêu dùng càng lợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần thiết phải xây dựng một khung pháp lý cụ thể về dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm, tuy nhiên dung sai ở mức nào là phù hợp với thực tế để DN vừa đảm bảo ATTP, vừa kinh doanh thuận lợi, hòa hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời minh bạch với người tiêu dùng (NTD)?

Vì sao phải có dung sai?

Ghi nhận tại Hội thảo đối thoại chính sách quản lý ATTP thực hiện Nghị quyết 19/201/NQ/CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP diễn ra chiều 12/9 cho thấy, các lý do DN đề xuất phải có dung sai cho thực phẩm là vì: Không thể có trị số tuyệt đối trên nhãn hàng so với thực tế. Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam giải thích: “Hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm luôn dao động, chẳng hạn rau quả trái vụ sẽ không thể có chất lượng như rau quả chính vụ. Trái nho hái vào mùa nắng sẽ khác với trái nho hái vào mùa mưa...”. Thực phẩm từ khi sản xuất tới khi đến tay NTD còn chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố bảo quản, nếu bảo quản không tốt thì thực phẩm sẽ bị biến đổi chất lượng không giống như chất lượng ban đầu. Nói cách khác, trong suốt vòng đời chất lượng sản phẩm không thể tránh khỏi sự biến đổi của các chất. Cơ quan quản lý cần đặt ra mức dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm và yêu cầu DN công bố với NTD, nếu dung sai quá rộng thì ảnh hưởng tới quyền lợi NTD, nhưng nếu dung sai không sát với thực tế và thông lệ quốc tế, mức dung sai quá nhỏ thì sẽ làm khó cho DN.
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm đóng hộp tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm đóng hộp tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải
Ngoài những lý do đó, trên thực tế cùng một mẫu kiểm nghiệm nhưng có thể cho ra các kết quả đánh giá không hoàn toàn giống nhau do sử dụng phương pháp thử khác nhau, ở các trung tâm phân tích khác nhau. Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành Phát triển sản phẩm Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: “Cùng một mẫu sản phẩm Vinamilk gửi đi kiểm nghiệm ở 2 địa chỉ khác nhau tại Singapore nhưng đã cho ra 2 kết quả khác nhau”. Do đó, không thể có một kết quả tuyệt đối mà cần phải có dung sai phù hợp với thực tế. Ông Khánh cũng đồng tình cho rằng khoảng dung sai cần được công bố rộng rãi để NTD biết rõ.

Sớm xây dựng khung dung sai

Chia sẻ kinh nghiệm từ cơ quan quản lý Malaysia, TS E-Song Tee - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch, Dinh dưỡng và Tiểu đường, Viện Nghiên cứu Y khoa, Bộ Y tế Malaysia cho biết: “Các sản phẩm thực phẩm chế biến thường có thời gian sử dụng nhất định, phần lớn là khoảng một năm. Trong thời gian đó, hàm lượng dưỡng chất sẽ có sự suy giảm dần trong quá trình lưu kho và bảo quản. Tuy nhiên, mức độ suy giảm này thường không vượt quá 20% tổng lượng dưỡng chất vốn có của sản phẩm”. Ông E-Song Tee cũng lưu ý, dung sai càng nhỏ thì NTD sẽ càng có lợi.

Khi vấn đề này được cơ quan quản lý trong nước đặt ra, nhiều DN đã lên tiếng đề xuất khoảng sai số đối với các vitamin và khoáng chất là 30%, đối với các chất sinh năng lượng là 20%. Tuy nhiên, theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), vấn đề này cần phải xem xét dựa trên các quy định đã có liên quan trước đó. Chẳng hạn, tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hàng giả gồm hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Như vậy, khoảng dung sai mà DN đang đề xuất là “hơi rộng”.

Khẳng định tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP cho biết, quy định về khung dung sai cho các sản phẩm thực phẩm sẽ sớm được xây dựng, trên cơ sở tham khảo quy định quốc tế để vừa bảo vệ quyền lợi NTD vừa đảm bảo lợi ích DN: “Quan điểm của chúng tôi là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi NTD là ưu tiên số 1”. 
Cần có quy định về khoảng dung sai để các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài cũng như các sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam lưu thông một cách thuận lợi.
TS E-Song Tee
 Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch, Dinh dưỡng và Tiểu đường, Viện Nghiên cứu Y khoa, Bộ Y tế Malaysia

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần