Đáng báo động
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 phim điện ảnh ra rạp, trong đó chỉ khoảng 3 phim có kinh phí đầu tư Nhà nước. Điện ảnh Việt ngày càng có xu hướng Việt hóa kịch bản mua từ nước ngoài. Ông Vi Kiến Thành nhận định, một trong những khó khăn của điện ảnh nước nhà chính là sự thiếu hụt kịch bản phim truyện hay và độc đáo. Sự thiếu hụt có thể bắt nguồn từ việc thiếu lực lượng nhà biên kịch điện ảnh giỏi và những nhà sản xuất có “con mắt xanh” phát hiện ra kịch bản hay, hấp dẫn.Với mong muốn góp phần tạo ra nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh cho các phim Nhà nước đặt hàng và cho các đơn vị, dự án sản xuất phim truyện có thêm sự lựa chọn, Cục Điện ảnh tổ chức Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” với đề tài, nội dung hướng đến giá trị “Nhân văn - Hướng thiện - Bản sắc văn hóa Việt”. Không chỉ bó hẹp nội dung chiến tranh cách mạng, lịch sử, văn hóa dân tộc hay đề tài thiếu nhi, Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả mở rộng đề tài về cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.Góp ý cho Ban Tổ chức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ thẳng thắn nhìn nhận, có phim chiến tranh của ta cũng gợi được sự đau xót, thế nhưng lại có những trường đoạn không thể so với nhịp sống điện ảnh thế giới, thậm chí đến mức “tụt hậu ghê gớm”. Một trong những nguyên nhân là quá ít kịch bản hay, không có cuộc thi lớn để tìm tòi kịch bản tầm cỡ. Mấy năm nay, lĩnh vực hội họa của Việt Nam ở vị thế hàng đầu Đông Nam Á, còn điện ảnh ngày càng thua kém các nước trong khu vực. Chỉ nhìn trong Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội sẽ thấy, phim của Philippines, Campuchia có những tác phẩm hơn hẳn phim Việt ở ngay mảng đề tài đương đại, trong khi kinh phí sản xuất rất thấp.Không thể thi cho vuiĐạo diễn Bùi Tuấn Dũng đặt vấn đề, nếu chỉ có kịch bản hay không thì chưa đủ. "Một số kịch bản đặt hàng sau khi rơi vào tay các hãng phim (chủ yếu hãng phim Nhà nước) thường bị “cắt xén” kinh phí rất nhiều so với tổng số tiền được rót xuống. Vì thế nếu giao kịch bản đặt hàng xong phải buộc các hãng phim cam kết chất lượng, đồng thời có cơ chế giám sát không thể buông lỏng" - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đề xuất.Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã có vẻ nghi ngại vì cuộc thi vốn tổ chức để tìm nguồn kịch bản sản xuất phim đặt hàng giai đoạn 2021 - 2025. Phim đặt hàng không thể thoát khỏi mục tiêu tuyên truyền, khó gây cảm hứng cho người dự thi. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng lại nhìn nhận, không cứ gì phim chiến tranh cách mạng mới làm nhiệm vụ chính trị, ngay cả đề tài chống tham nhũng, biển Đông hay nói về tình yêu cũng là phục vụ nhiệm vụ chính trị. Điều cốt lõi ở đây là chất lượng kịch bản, liệu có tìm được tác phẩm nào xứng tầm hay không.Đồng tình với quan điểm này, NSND, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nói, chiến tranh lùi xa 50 năm nên giờ làm phim đề tài chiến tranh cách mạng không nhất thiết chỉ ca ngợi một chiều. NSND Phạm Nhuệ Giang nêu ví dụ, nhà văn Bảo Ninh có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng nhưng chưa được khai thác, phần nhiều vì sợ “nhạy cảm”. Đó cũng là điều NSND Nhuệ Giang lo lắng về hội đồng giám khảo, bởi “hễ kịch bản hơi nhạy cảm một chút đã sợ và gạt đi”.Mười năm mới có một cuộc thi kịch bản tầm cỡ nên nghệ sĩ điện ảnh mong muốn lãnh đạo Cục Điện ảnh chọn ra hội đồng giám khảo công tâm. Đó là những người không ngại đề tài gai góc, không chọn câu chuyện nhàn nhạt vì an toàn. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành hứa hẹn: Kịch bản đạt giải cao được đưa vào sản xuất ở dạng phim sử dụng kinh phí Nhà nước, đồng thời giới thiệu và kết nối để các nhà đầu tư, hãng phim tư nhân tìm hiểu những kịch bản còn lại. Ông Vi Kiến Thành kỳ vọng giữ được nhịp độ hai năm thi kịch bản một lần, bởi không thể phủ nhận vai trò của kịch bản - khâu đầu vào của mỗi tác phẩm điện ảnh.
Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” yêu cầu tác phẩm có độ dài từ 90 - 120 phút phim, mỗi tác giả gửi tối đa hai tác phẩm. Cục Điện ảnh khuyến khích kịch bản kèm theo phương án xã hội hóa nguồn vốn sản xuất và phát hành. Ban Tổ chức nhận kịch bản đến hết ngày 1/11/2020. |