Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm kiếm khả năng phục hồi năng động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trái ngược với bầu không khí lạnh giá của mùa đông châu Âu, Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ 2013 (23 - 27/1) đang nóng lên với những vấn đề liên quan đến hồi phục kinh tế toàn cầu.

 Với chủ đề "Năng động để thích ứng", Hội nghị thường niên lần thứ 43 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thu hút sự tham gia của khoảng 2.600 quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp lớn nhất thế giới, các nhà sáng tạo công nghệ, các doanh nhân xã hội và các công ty truyền thông. Trong bối cảnh, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bước sang năm thứ 6, chương trình nghị sự của WEF năm nay tập trung vào việc tìm giải cải thiện tình trạng hồi phục chưa vững chắc của kinh tế thế giới.
 
Tìm kiếm khả năng phục hồi năng động - Ảnh 1
 
Dự kiến, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon có bài diễn văn về triển vọng phát triển toàn cầu, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde sẽ nói về các phương thức tạo nên sự tăng trưởng ổn định. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Camera sẽ đề cập tới nỗ lực của các nước duy trì đà đi lên ban đầu của hoạt động kinh tế trên thế giới. Thủ tướng Italy Mario Monti và Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng có bài phát biểu quan trọng về tương lai của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).

Hội nghị lần này cũng tập trung thảo luận về Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2013 được tổng hợp ý kiến từ cuộc thăm dò thường niên hồi tháng 9/2012 của hơn 1.000 chuyên gia, trong đó đưa ra viễn cảnh khá bi quan về những rủi ro toàn cầu từ năm lĩnh vực bao gồm kinh tế, môi trường, địa chính trị, xã hội và công nghệ. Theo Báo cáo này, thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn tiếp diễn, khiến cho vấn đề biến đổi khí hậu ít được quan tâm hơn cho dù đang trong thời điểm mà các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều.

Tuy Diễn đàn Davos không phải là nơi đưa ra các quyết định cụ thể mang tính pháp lý cho nền kinh tế toàn cầu nhưng sự trao đổi giữa những nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu thế giới đã đưa ra nhiều gợi mở về chính sách "giải cứu" thị trường vô cùng hiệu quả. Thực tế cho thấy, trong hơn 40 năm tồn tại và phát triển, WEF đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh dẫn dắt kinh tế thế giới qua nhiều giai đoạn khủng hoảng khác nhau. Vì thế, nhiều người hy vọng Diễn đàn kinh tế Davos lần này sẽ tìm được tiếng nói chung, sự hợp tác giữa các quốc gia có trách nhiệm nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, từ đó tái khởi động cỗ máy tăng trưởng đã trì trệ thời gian qua.