Thế nên, Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011 là một cuộc tìm lại nguyên gốc của ca trù.
Tìm lại không gian trình diễn
"Lâu nay, chúng ta đang biến không gian ca trù thành một không gian trình diễn ca múa nhạc, vì thế không khơi dậy được sự yêu mến của người xem", đó là nhận định của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn Liên hoan ca trù toàn quốc 2011. Không chỉ không gian hát ca trù đang bị sai lệch, mà ngay cả vị trí trình diễn của đào nương, kép đàn, quan viên cũng không còn như nguyên gốc. Hiện nay, trong mỗi tiết mục ca trù, đào nương ngồi giữa kép đàn và người cầm chầu. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoành Loan, "điều này là sự sai lệch nghiêm trọng trong ca trù. Người cầm chầu không phải là người tham gia biểu diễn, mà chỉ đánh giá tiết mục, nên không thể ngồi cùng đào, kép".
Chính vì vậy, tại liên hoan, không gian hát cửa đình, hát thờ tổ, cửa quyền, hát chơi, hát thi sẽ được tái tạo trong khán phòng âm nhạc của Viện Âm nhạc Việt Nam. Và ở đó, đào nương, kép đàn, quan viên hay điệu múa Cung Bắc, Chúc Gỗ… sẽ tìm lại đúng vị trí, khúc nhịp thời xưa. Liên hoan là sự hợp lực của 23 đơn vị, đại diện cho 15 tỉnh, thành có nghệ thuật ca trù. Liên hoan không chỉ của các đơn vị, CLB theo ngạch Nhà nước mà còn có sự đóng góp của những cá nhân, gia đình đang gìn giữ di sản. Và theo đánh giá của các nhà chuyên môn cũng như những người tham gia liên hoan, việc tìm lại không gian trình diễn của ca trù là bước đi đầu tiên đưa di sản trở về với tâm hồn Việt.
Sự “về nguồn” của các bài hát
Liên hoan ca trù toàn quốc lần thứ nhất xuất hiện nhiều tiết mục đơn lẻ. Chính vì vậy, nhiều bài hát không rõ nguồn gốc, không phù hợp, biến ca trù thành thứ ca múa nhạc bình thường. Điểm mới của Liên hoan ca trù 2011 là từng điệu hát, tiết mục không chỉ được các nghệ nhân trình diễn trong không gian đậm đặc ca trù mà những bài hát sẽ được trở về với đúng làn điệu, gốc gác của nó. Theo danh sách của các đơn vị đăng ký gửi về ban tổ chức, 140 người tham gia sẽ biểu diễn 28 chương trình, trong đó có 4 tiết mục hát cửa đình, 4 tiết mục hát cửa quyền, 11 tiết mục hát thi, 8 tiết mục hát chơi và 1 tiết mục hát thờ tổ nghề. Không gian cũng như gốc gác của các tiết mục được các nghệ nhân, đào kép khôi phục từ nơi sinh hoạt văn hóa của địa phương. Ví như lối hát thờ tổ nghề đã được khôi phục ở đình Châu Văn Vương (Thanh Hóa) vào đúng ngày giỗ vị quan này.
Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011 sẽ làm "cũ" lại không gian văn hoá xưa. Song, câu hỏi lớn là "bảo tồn" rồi "trở lại" và sau sự "trở lại" là gì thì không ai biết trước được! Nói như bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng phòng Bảo tồn di sản, Cục Di sản Văn hóa: "Chúng ta đang làm tất cả để ca trù có thể chuyển từ danh sách Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Nhưng việc bảo tồn hát ca trù vẫn đang ở trong giai đoạn khởi đầu và lộ trình của nó còn nhiều khó khăn. Hiện nay, đã có nhiều CLB ca trù cổ được phục hồi, nhiều CLB mới được thành lập, cũng đã có một lực lượng trẻ biết học hát ca trù một cách bài bản. Nhưng, việc công nhận Nghệ nhân dân gian đối với những người nắm giữ di sản vẫn chưa làm được". Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm với những gì mà cha ông đã để lại, để di sản không bao giờ mất đi, mãi mãi trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt.