Tìm lại ký ức Hà Nội từ “đồ cũ, dấu xưa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 9 giờ sáng ngày Chủ nhật 5/6, góc bên phải khuôn viên trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội tấp nập hơn ngày thường.

Bởi nơi đây không chỉ có gian hàng luôn cuốn hút người chơi đồ cổ, mà còn có màn giao lưu đồ cổ, đồ xưa với những chiếc xe đạp, đồ gốm sứ cổ, đồ thờ… vốn là những vật dụng quen thuộc của người Hà Nội trên dưới 100 năm.
Những chiếc đồng hồ có tuổi đời trên dưới 100 năm từng là vật dụng quen thuộc của người Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan
Những chiếc đồng hồ có tuổi đời trên dưới 100 năm từng là vật dụng quen thuộc của người Hà Nội. Ảnh: Thanh Loan
Chợ phiên “đồ cũ, dấu xưa” - tên gọi gợi nhớ ký ức này chỉ diễn ra từ 9 giờ sáng đến 16 giờ 30 phút Chủ nhật hàng tuần với 40 gian hàng bày bán nhiều mặt hàng là đồ vật đã qua sử dụng, đồ giả cổ và đồ thủ công mỹ nghệ như lụa, sơn mài, đồ chế tác từ sừng, gốm sứ… Các gian hàng được thiết kế mở, theo hình thức chợ quê thường thấy ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở mỗi gian hàng, chủ hàng có thể trải chiếu hoặc kê bộ sập gụ… mời khách vào xơi nước. Phiên chợ tấp nập người ghé thăm nhưng vẫn cho người xem cảm nhận được nhịp sống thư thả của người Hà Nội xưa.

Đến “Chợ phiên dấu xưa”, khách tham quan sẽ chứng kiến một không gian đầy ắp những đồ cũ, từ gốm sứ cổ, đồ đồng, đồ thờ, đồ gia dụng như nồi niêu, xoong chảo, bát đĩa đến những chiếc quạt cổ có tuổi đời hàng trăm năm hoặc những chiếc đèn dầu vài chục tuổi. Tại đây, có thể tìm thấy những bộ loa đài, radio cũ, nhưng chất lượng còn tốt hoặc những tờ tiền cũ và hiếm từ khắp các quốc gia trên thế giới. Những chiếc vòng tay bằng vàng, bạc, đá quý hay như những giá treo đèn bằng pha lê, những bộ sưu tập đồng hồ đeo tay, đồng hồ cổ, kính đeo từ Pháp, Ý, Đức… cũng “tề tựu” đông đủ ở phiên chợ này.

Đã gần 3 năm, “Chợ phiên dấu xưa” mở cửa đón khách. Nhưng phiên chợ ngày 5/6 mang nhiều ý nghĩa hơn với dân chơi đồ cổ. Theo chị Nguyễn Tuyết – người được giới chơi đồ cổ mệnh danh là người đẹp của các phiên chợ: “Mặc dù "Chợ phiên dấu xưa” được mở thường kỳ, nhưng thỉnh thoảng mới tổ chức những buổi giao lưu, bán đấu giá để những người say mê đồ cũ có thể định giá từng sản phẩm. Nhiều đồ độc cũng vì thế được trưng ra”. Ngay tại phiên chợ này, chị Tuyết đã thành chủ nhân đầu tiên sở hữu chiếc đĩa gốm in hình rồng rất độc đáo. Tham gia các phiên chợ có đủ mọi thành phần, lứa tuổi; người thì đi xem cho biết, người là thợ săn đồ cổ chuyên nghiệp, cũng có người đến đây để tìm cho mình những món đồ cũ gắn liền với nhiều thời khắc trong đời.

Khi mở “Chợ phiên dấu xưa” tại Bảo tàng Hà Nội, Ban tổ chức đã đối diện với không ít lời bàn tán. Nhiều người cho rằng, Hà Nội không thiếu những điểm có thể tập kết đồ cổ, đồ xưa. Trên thực tế, những phiên chợ bán đồ cũ tại phố Hoàng Hoa Thám, hay tại địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh… cũng đủ không gian cho dân thích chơi đồ cũ, đồ xưa. Chính vì vậy, Ban tổ chức không cần cắt xén những khoảnh đất công để tổ chức “Chợ phiên dấu xưa” tại Bảo tàng Hà Nội. Nhưng minh chứng cho sự tồn tại suốt 3 năm qua, cùng với sức hút hàng ngàn người/phiên chợ để thấy rằng nơi lưu giữ văn hóa Hà Nội sẽ là nơi cần nhất gợi nhớ ký ức xưa của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội: “Bảo tàng Hà Nội và Hội Cổ vật Thăng Long kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, ngăn ngừa tình trạng hàng giả, hàng cấm, đồng thời sẽ hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng. Chính vì vậy, khách hàng luôn có cảm giác yên tâm hơn khi tìm đến đồ cổ, đồ cũ ở “Chợ phiên dấu xưa” hơn là các phiên chợ khác”. Hiện nay, “Chợ phiên dấu xưa” đã trở thành một sản phẩm du lịch để du khách có thể tham quan, mua sắm những sản phẩm văn hóa đặc trưng của các vùng miền trong cả nước, là một địa chỉ văn hóa dành cho công chúng trong nước và khách du lịch nước ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần