Như Giám đốc hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt Vũ Văn Kỳ nói, thì toàn xã có 80ha trồng củ cải, khoảng 20ha đến thời gian thu hoạch, sản lượng 1.500 tấn đang ế đọng, cần tiêu thụ gấp. Tình trạng ế đọng, phải nhổ bỏ và tiêu hủy có khả năng gây thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ đồng.
TP Hà Nội đã phải tổ chức một cuộc họp tìm cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ củ cải cho bà con nông dân Tráng Việt. Với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức thiện nguyện đã chung tay trong chiến dịch giải cứu. Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương, trong hai ngày 17 và 18/3, một lượng lớn củ cải đã được tiêu thụ. Một số đơn vị đi đầu trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ củ cải là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP Hà Nội, Công ty cổ phần Nhất Nam, siêu thị Big C Thăng Long, siêu thị Vinmart Hà Nội… Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan còn cho biết, Sở sẽ triển khai chương trình đồng loạt trên hệ thống phân phối của TP để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.000 tấn củ cải cho người dân, đồng thời có văn bản gửi đến các cơ quan, đoàn thể kêu gọi giúp nông dân tiêu thụ với giá ổn định. Sở cũng sẽ liên hệ với 2 nhà máy bánh mứt kẹo Hà Nội và Tràng An, đề nghị hỗ trợ người dân sấy khô miễn phí. Và không chỉ các đơn vị và người dân Hà Nội, mà một số siêu thị ở miền Trung và miền Nam cũng chia sẻ khó khăn cùng nông dân Mê Linh. Như vậy là chỉ ít ngày, việc hỗ trợ bà con nông dân Mê Linh tiêu thụ củ cải ế đọng đã có hiệu quả. Có thể nói không quá lời rằng hầu hết người dân Hà Nội đều tham gia vào công việc mà chúng ta quen gọi là “giải cứu” này, dù trực tiếp hay gián tiếp. Người dân cả nước cũng vậy. Chiến dịch giải cứu củ cải diễn ra cũng như các chiến dịch giải cứu thịt lợn, hành tím năm 2017, dưa hấu, thanh long năm 2016… cho thấy rõ tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Tuy nhiên, trong khi trân trọng nghĩa cử cao đẹp đó, dư luận một lần nữa đặt câu hỏi: Chúng ta còn tiếp tục giải cứu đến bao giờ? Còn nhớ, dư luận đã dùng cụm từ “đến hẹn lại lên” cho những chiến dịch giải cứu dưa hấu cho nông dân Quảng Ngãi. Bởi việc giải cứu được thực hiện mấy năm liền, nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy. Vào thời điểm tháng 4/2015, giá dưa ở Quảng Ngãi chỉ còn 500 đồng/kg, các ngành chức năng, đoàn thể, địa phương tham gia hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa. Đến năm 2016, giá dưa tăng, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/sào, thì năm 2017 nông dân lại đua nhau trồng. Rõ ràng, không thể mãi đổ lỗi cho thời tiết hay thương lái vì đã có những bài học đắt giá, người dân Quảng Ngãi vẫn chạy theo mặt hàng nông sản đầy rủi ro này. Việc người nông dân sản xuất theo tâm lý “thấy người ăn khoai vác mai đi đào” dẫn đến cung vượt quá cầu, trước hết là do nhận thức, song không thể không kể đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan, từ T.Ư đến địa phương trong quy hoạch, quản lý, dự báo… Không có định hướng kỹ thuật, nông dân Quảng Ngãi chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, tập quán cũ, chất lượng giống không cao, dẫn đến chất lượng dưa hấu không đảm bảo, khó tiêu thụ. Chuyện không chỉ riêng với dưa hấu, bởi mấy năm qua đã có những chiến dịch giải cứu thanh long ở Bình Thuận, hành tím ở Sóc Trăng, thịt lợn Đồng Nai…, bây giờ là củ cải ở Hà Nội và dự báo sắp tới là cà rốt, su hào, bắp cải trắng ở Hải Dương. Nghĩa là tình trạng ế đọng nông sản đã, đang và sẽ diễn ra ở khắp mọi miền. Câu hỏi vẫn luôn được đặt ra là làm thế nào để không phải tổ chức những chiến dịch tương tự. Khá nhiều nguyên nhân được chỉ ra, bên cạnh nguyên nhân từ phía thương lái Trung Quốc và “ông Trời”. Đó là nguyên nhân từ phía người nông dân như sản xuất theo phong trào, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, găm hàng chờ giá cao… Và công luận cũng nhiều lần chỉ ra nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng. Song quan trọng nhất, sau mỗi lần giải cứu, chúng ta đều nhận thấy những chiến dịch đó dù mang tính nhân văn, có tác dụng nhất định cũng chỉ là giải pháp tình thế, có tính tạm thời, mà về lâu về dài cần những giải pháp căn cơ hơn. Đã đành người nông dân phải có trách nhiệm với hoạt động canh tác của mình, nhưng xem ra trách nhiệm vẫn thuộc về các cơ quan chức năng liên quan - những người lĩnh lương, hoạt động bằng tiền ngân sách, tức là bằng tiền thuế của dân. Làm sao để không phải tiếp tục đi tìm lời đáp cho một câu hỏi cũ: Chúng ta còn tiếp tục giải cứu đến bao giờ? Câu trả lời phải chăng là tiếp sau cuộc họp của TP Hà Nội hôm 16/3, sẽ là cuộc họp mà vấn đề trên bàn nghị sự là: Làm sao để không còn các cuộc họp bàn về giải cứu nông sản trong tương lai.