Thị trường rộng lớn
Tại Hội thảo quốc tế Lĩnh vực công nghiệp hàng không do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 17/12, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường (Cục Hàng không Việt Nam) Nguyễn Phước Thắng cho biết: theo dự báo dịch vụ toàn cầu (GSF) của Airbus, thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp đôi giá trị từ mức 52 tỷ USD hiện nay lên 129 tỷ USD vào năm 2043. Đặc biệt, phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ đạt giá trị 109 tỉ US.
Con số này đạt được do nhu cầu về khoảng 19.500 máy bay mới và lưu lượng hành khách hàng không trong khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,81%. Airbus cũng dự báo trong 20 năm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 999.000 chuyên gia lành nghề mới (gần 45% số nhân lực toàn cầu). Đặc biệt, sự phát triển của ngành hàng không sẽ cần một số lượng lớn linh kiện của CNHT.
Giám đốc điều hành Công ty Advanced Business Events (Cộng hòa Pháp) Stéphane Castet cho hay, trong 20 năm tới nhu cầu đối với máy bay thương mại dự kiến đạt khoảng 36.000 chiếc; thị trường máy bay thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%/năm. Riêng Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không đang đứng thứ 5 trên thế giới, số 1 khu vực Đông Nam Á. “Những dữ liệu trên cho thấy cơ hội rất lớn để gia nhập ngành CNHT lĩnh vực hàng không, vũ trụ của Việt Nam” - ông Stéphane Castet nêu rõ.
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, hiện đội tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 222 chiếc, trong đó 203 tàu thương mại do các hãng trong nước khai thác. Tuy nhiên, số lượng đội bay này không phản ánh hết quy mô, bởi các hãng có thể thuê ngắn hạn có tổ bay (thuê ướt) khi cần thiết.
Chưa kể, hãng hàng không Vietjet đã có đơn đặt hàng 200 chiếc Boeing 737 MAXX và Vietnam Airlines cũng đang có nhu cầu khoảng 50 chiếc. Việt Nam hiện có 22 sân bay, phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm, đến năm 2030 theo quy hoạch, số sân bay sẽ tăng lên 30 và 33 sân bay vào năm 2050. Đây là thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT hàng không Việt Nam ra nhập chuỗi cung ứng thế giới.
Giấy “thông hành” cho doanh nghiệp Việt Nam
Mặc dù thị trường hành không Việt Nam và thế giới đang dần phục hồi mạnh mẽ nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành hàng không Việt Nam đang phát triển "khập khiễng" không cân đối phụ thuộc vào nước ngoài.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Meggitt VietNam Paul Trần cho biết, hiện các hãng hàng không Việt Nam chỉ mua tàu bay mà thiếu phát triển lĩnh vực CNHT, như bảo dưỡng, sửa chữa, nghiên cứu, sản xuất chế tạo phụ tùng... “Việt Nam đang bay gia công khi từ tàu bay, động cơ hay linh kiện như phanh, lốp đều phải nhập khẩu khiến giá thuê tàu bay, sửa chữa động cơ... chiếm gần một nửa trong cơ cấu chi phí của các hãng bay trong nước”-ông Paul Trần nêu rõ.
Để giải quyết được bài toán này các chuyên gia kinh tế có chung ý kiến, doanh nghiệp Việt Nam cần đạt Chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất linh kiện cho các hãng sản xuất tầu bay quy mô lớn như Boeing, Airbus.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID) Ishida Takayuki cho hay, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt, đặc biệt là hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ theo chứng nhận AS9100. “Việc đạt được chứng nhận này là bước quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường quốc tế, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong ngành hàng không”-ông Ishida Takayuki nhấn mạnh.
Nhìn nhận lợi ích mà chứng nhận AS9100 mang lại cho doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Anmi (đơn vị cung ứng dụng cụ mài chính xác cho các đối tác sản xuất linh kiện tầu bay Boeing) Nguyễn Nguyệt Anh cho biết, chứng nhận AS9100 không chỉ là một tiêu chuẩn về chất lượng, mà còn là "giấy thông hành" giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp ngành CNHT hàng không đang gặp phải trong quá trình tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế là thiếu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển CNHT hàng không theo quy chuẩn quốc tế; Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực này” - bà Nguyệt Anh nêu rõ.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, chuyên gia, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thị trường hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng, CNHT ngành hàng không đang được Hà Nội định hình là mảng quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2316/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển CNHT TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025.
Theo đó TP Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời đầu tư 16.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 43 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 753 ha. Đối với ngành công nghiệp hành không, TP Hà Nội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 10 doanh nghiệp ngành hàng không vùng Kobe (Nhật Bản), thành lập tổ hợp Techno Park Việt Nam – Nhật Bản tại khu công nghiệp Nam Hà Nội (Hanssip); Tổ chức hội nghị, hội chợ chuyên ngành tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội kết nối với đối tác quốc tế qua đó phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường.
“Nhờ những nỗ lực này, đến nay Hà Nội đã có gần 300 doanh nghiệp CNHT đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành công nghiệp nói chung và CNHT ngành hàng không nói riêng” - ông Thắng nói.