Tìm lời giải cho bài toán ô nhiễm làng nghề Hà Nội

Ngọc Mừng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhưng hầu hết đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây là bài toán đang chờ lời giải.

Những “điểm đen” ô nhiễm

Sở TN&MT Hà Nội mới công bố những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề Hà Nội. Theo đó, hoạt động sản xuất làng nghề phát sinh ô nhiễm cao, nhưng khu vực này lại hầu như không có công trình xử lý chất thải phù hợp. Việc xử lý nước thải hầu như không có hệ thống, nếu có thì cũng rất thô sơ. Còn nghiên cứu của Bộ TN&MT cho thấy, không khí ở một số làng nghề có nồng độ bụi tới 6,7 lần giới hạn. Các làng nghề cơ khí có nồng độ các kim loại nặng nhiều nơi vượt giới hạn; nồng độ nhiều chất hữu cơ độc rất cao, đặc biệt nước thải có độ ô nhiễm với nhiều chỉ số vượt cả trăm lần giới hạn.
  Sản xuất mây tre đan tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt
Một số làng nghề Hà Nội còn được liệt vào “danh sách đen” ô nhiễm như Tân Triều (huyện Thanh Trì), Vân Hà, Liên Hà (huyện Đông Anh), Phú Yên (huyện Phú Xuyên), Dương Liễu, Cát Quế (huyện Hoài Đức)… Như xã Tân Triều vốn được biết đến với nghề thu gom phế thải, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ... (chủ yếu ở làng Triều Khúc và Yên Xá). Những nghề này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở đây, nhưng hậu quả với môi trường lại đang ở mức báo động. Nước thải được đổ trực tiếp ra mương, hồ; chất thải, rác thải chất thành đống dọc theo các tuyến đường, nguồn nước ô nhiễm, không khí ngột ngạt... “Điểm nóng” ở các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Sơn Đồng... nằm ở những nơi tập trung các cơ sở chế biến tinh bột. Lượng nước thải ước tính lên tới 3 triệu m3/năm, hầu hết được xả thẳng ra môi trường mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường làng nghề là do mặt bằng chật hẹp, xưởng sản xuất chủ yếu xây dựng tại gia đình nên không thể đầu tư, đổi mới công nghệ và hệ thống xử lý chất thải. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật ở khu vực làng nghề còn hạn chế, các DN, cơ sở sản xuất không có nguồn vốn đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng đó, hiện TP đã có lộ trình cụ thể, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Theo đó, UBND TP đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, TP sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; Khảo sát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai các dự án cấp bách trong việc đầu tư, xây dựng, vận hành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng, khí thải tại các làng nghề. Xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

Nâng cao nhận thức cộng đồng làng nghề gắn sản xuất với trách nhiệm về môi trường, đồng thời triển khai đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm. Thiết kế mạng lưới quan trắc, đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động kiểm soát ô nhiễm tại 80 làng nghề; Triển khai đầu tư xây dựng và vận hành các mô hình thí điểm xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến phù hợp với các nhóm làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, được TP hỗ trợ 100% kinh phí...

Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở Công Thương, dù TP đang tích cực có những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân trực tiếp tham gia sản xuất phải tự ý thức và có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần