Tìm nơi trú ẩn an toàn trên thị trường chứng khoán

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia phân tích đánh giá, dù có những dự đoán tích cực về triển vọng thị trường chung trong thời gian tới nhưng tỷ lệ sinh lời sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các ngành do những ảnh hưởng không đồng đều từ việc giãn cách đối với các DN.

Do đó, các lĩnh vực đang có định giá hấp dẫn và ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội này sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Khối nội tích cực, khối ngoại thận trọng

Nửa đầu 2021 TTCK Việt Nam chứng kiến những kỷ lục chưa từng có về điểm số và dòng tiền. Thị trường ghi nhận mức tăng mạnh và đứng thứ 2 trong số các TTCK thế giới về tỷ suất sinh lời 27,6% với mức điểm cao nhất từng được ghi nhận là 1424.28 điểm. Đi kèm với đó là thanh khoản thị trường duy trì lạc quan với giá trị giao dịch hàng ngày là 17.000 tỷ đồng trong 6 tháng 2021 (nhiều hơn 3 lần so với cả năm 2020). Sự bùng nổ này chủ yếu được đóng góp từ những nhà đầu tư F0 trong nước, với số lượng tài khoản mở mới trong 6 tháng năm 2021, cao hơn 1,6 lần so với cả năm 2020.
 Nhà đầu tư theo dõi thông tin tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Khác với sự tích cực của khối nội, khối ngoại lại duy trì tâm lý thận trọng. Trong 6 tháng năm 2021, khối này bán ròng giá trị hơn 42.000 tỷ đồng. Hay ở tuần giao dịch gần nhất từ 9/8 - 13/8, dù VN-Index diễn biến tích cực khi kéo dài chuỗi tăng điểm lên tuần thứ 3 liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index dừng tại 1.357,05 điểm, tăng nhẹ 1,16% so với tuần trước đó. Cùng với sự hồi phục về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng lên đáng kể với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt hơn 22.000 tỷ đồng.
Dù vậy, điểm tiêu cực là xu hướng rút vốn của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh, đặc biệt các quỹ ETF. Tính từ đầu tháng 8 tới nay, các quỹ ETF đã bán ròng khoảng 1.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Bên cạnh đó, những thông tin về dịch bệnh vẫn là yếu tố khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng.

Về đầu tư của khối ngoại, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dẫn thông tin từ đại diện Fubon đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển TTCK trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 (sử dụng hệ thống giao dịch mới để giải quyết vấn đề tắc nghẽn lệnh). Vì thế, với động thái mua vào trong một số phiên của tháng 7, các chuyên gia Rồng Việt kỳ vọng vào động thái tích cực hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Biến động tạo cơ hội tích lũy

Đánh giá về TTCK những tháng cuối năm, các chuyên gia phân tích cho rằng, trên khía cạnh vĩ mô, lạm phát trong năm 2021 dự kiến vẫn sẽ duy trì thấp hơn so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4% tạo không gian cho chính sách tiền tệ có thể tiếp tục duy trì nới lỏng. Khả năng đẩy mạnh đầu tư công trong nửa cuối năm 2021 với kỳ vọng giải ngân trong quý 3 sẽ tăng khoảng 25% so với cùng kỳ sẽ tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu sẽ bước vào cao điểm trong nửa cuối 2021, giúp cải thiện dần cán cân thương mại. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vẫn là một rủi ro rất lớn. Nếu dịch không được kiểm soát tốt bằng các biện pháp phù hợp có thể tác động phần nào tới hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như giải ngân đầu tư công, điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý III/2021 có thể chậm lại so với nửa đầu năm, tiêu biểu ở nhóm ngân hàng. Nhưng về dài hạn bức tranh tăng trưởng vẫn tích cực. VN-Index khả năng sẽ thử thách lại đỉnh cũ 1.420 điểm trong tháng 8. Trong khi đó, các vùng hỗ trợ gần dành cho chỉ số lần lượt 1.340 điểm và 1.300 điểm, và xa hơn là 1.261 điểm trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu ngoài tầm kiểm soát.
Với các thách thức liên quan đến tình hình dịch bệnh và khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý 3/2021 có thể khiến quá trình phục hồi của thị trường gặp khó, nhà đầu tư chỉ nên tích lũy cổ phiếu có chọn lọc tại các nhịp điều chỉnh để chủ động phòng ngừa rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt lại cho rằng, dù có những dự đoán tích cực về triển vọng thị trường trong thời gian tới nhưng tỷ lệ sinh lời sẽ có sự phân hóa đáng kể giữa các ngành do ảnh hưởng không đồng đều từ việc giãn cách đối với các DN. Do đó, các chuyên gia nhận định, những lĩnh vực đang có định giá hấp dẫn và ít bị ảnh hưởng hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội này sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng các công ty có hoạt động xuất khẩu những loại hàng hóa/dịch vụ với tiềm năng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm (NKG, HSG, FPT) và các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho vận tải quốc tế (GMD, PVT) sẽ mang lại hiệu suất vượt trội. Điều này dựa trên kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong thời gian tới”- báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt phân tích.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như ngành tiêu dùng thiết yếu sẽ hoạt động tốt do nhu cầu dự báo sẽ tăng mạnh sau khi diễn ra phong tỏa trong thời gian dài. Mặt khác nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách giảm tỷ trọng đối với một số cổ phiếu đã khuyến nghị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần