Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm tên cho các liệt sỹ vô danh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một phần mềm tích hợp cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin về liệt sỹ vừa được Bộ TT&TT hoàn thiện.

Khi phần mềm này được đưa vào sử dụng, việc tìm thân nhân là liệt sỹ sẽ dễ dàng, thay vì người dân phải tìm theo cách thủ công từ nghĩa trang này đến nghĩa trang khác.

Tiếp cận thông tin nhanh

“Việc tìm mộ liệt sỹ theo cách phổ thông hiện nay khiến chúng ta rất khó có điều kiện tiếp cận danh tính. Khi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), người dân trên cả nước có thể vào mạng tìm thân nhân là liệt sỹ mà không phải đi xa” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định khi đề cập đến việc hiện nay Bộ TT&TT đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, đã giao cho Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (CNPM) cùng Cục Người có công thuộc Bộ LĐTB&XH, Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng khảo sát thực trạng và hệ thống cơ sở dữ liệu. Kết quả cho thấy có 3 nguồn quản lý là Cục chính sách - Bộ Quốc phòng, Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH và CSDL về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ (năm 2015). Tuy nhiên, từng cơ sở dữ liệu (CSDL) được xây dựng độc lập, có nội dung bảo mật riêng và tình trạng dữ liệu trùng nhau vẫn chưa được giải quyết. Do đó cần phải tích hợp các CSDL hiện có thành một hệ thống nhất và lọc dữ liệu trùng, nhiễu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thắp hương tri ân các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.    Ảnh: Thủy Trúc

Từ kết quả khảo sát trên, CNPM đã thống nhất với Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH kế hoạch triển khai hoạt động từ ngày 17/2 đến 30/5/2017. Kết quả thu được rất khả quan. “Chúng tôi cho đối chiếu dữ liệu để lọc dữ liệu trùng nhau, dữ liệu nhiễu, từ đó rút ngắn đáng kể công tác xử lý, chuẩn hóa dữ liệu của Cục Chính sách. Qua đó, đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ” – ông Trương Minh Tuấn cho hay. Bộ TT&TT cũng đồng thời xây dựng trang thông tin, tìm kiếm thông tin liệt sỹ dựa trên việc tích hợp CSDL của Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng để cung cấp cho các cơ quan chức năng thông qua một công cụ tìm kiếm duy nhất, có thể cho ra đầy đủ thông tin nhất về liệt sỹ. Trong đó, sử dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ngôn ngữ tiếng Việt cho phép tìm kiếm thông minh. Từ đây, người dùng tiếp cận với thông tin cần tìm nhanh hơn. Hơn nữa, việc cung cấp chức năng tương tác với người dùng sẽ giúp thu thập thêm thông tin từ người dân.

Chạy thành công trên số liệu thử nghiệm

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay Viện CNPM đã xây dựng xong phần mềm tích hợp cung cấp dữ liệu tìm kiếm thông tin về liệt sỹ dựa trên CSDL được tích hợp từ các CSDL thành phần của Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng. Đây là cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay sẽ giúp cho việc tìm kiếm và đối sánh nhanh chóng. Phần mềm này sẽ giúp Bộ Quốc phòng và Bộ LĐTB&XH thu nhận các thông tin về liệt sỹ từ Nhân dân và cung cấp đến người dân những thông tin về liệt sỹ thông qua internet.

Sau khi hoàn thành phần mềm, từ nay đến ngày 15/7, Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH, Cục Chính sách - Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao các CSDL để đưa vào phần mềm và sẽ tiến hành chạy. Công việc này sẽ cố gắng xong trước ngày 27/7/2017.

Theo Bộ trưởng Tuấn, việc triển khai phần mềm tích hợp này có ý nghĩa rất lớn về tìm kiếm thông tin những liệt sỹ còn chưa xác định. Không những thế, các số liệu được đảm bảo tốt nhất giúp cho việc tìm kiếm hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đang được an táng tại các nghĩa trang được thực hiện nhanh. Còn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay điều day dứt nhất là còn trên 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đang an táng tại các nghĩa trang chưa đủ thông tin. Vì thế sẽ nhanh chóng tiến hành 2 ứng dụng CNTT. Thứ nhất, toàn bộ người dân trên cả nước có thể vào mạng tìm người thân của mình từ các bia mộ, đài liệt sỹ ghi danh. Bên cạnh đó, khẩn trương xác định danh tính và tiến hành xây dựng ngân hàng gien; Xác định gien của từng mộ liệt sỹ, sau đó mỗi gia đình có mong muốn tìm nhân thân có thể lấy gien của mình và tự đối chiếu trên mạng. Với cách làm này người dân không mất thời gian đi lại. “Vừa rồi, chúng ta trả lại danh tính trên 3.000 liệt sĩ gắn bia mộ thì phải lấy mất 12.000 gien của thân nhân mà vô cùng khó khăn. Với cách làm mới, khi có ngân hàng gien, từng gia đình sẽ đối chiếu như vậy sẽ nhanh chóng có kết quả. Hiện nay Bộ LĐTB&XH và Bộ TT&TT đang quyết tâm thực hiện việc này” - ông Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau tháng 8/2017, Bộ LĐTB&XH sẽ cùng Hội Sử học Việt Nam xây dựng đề án Mỗi nghĩa trang liệt sỹ, mỗi đài ghi công là một di tích lịch sử. Ở đó sẽ có hướng dẫn viên giới thiệu cho học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về các anh hùng của địa phương đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho dân tộc. Đây sẽ là đề án hay, bởi khi đến nghĩa trang, với mỗi phần mộ là một câu chuyện sẽ giúp các em khơi dậy lòng tự hào dân tộc cũng như học hỏi được nhiều điều từ các anh hùng liệt sỹ.