Tìm “thuốc hạ sốt” giá thức ăn chăn nuôi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thức ăn chăn nuôi vốn tăng cao chót vót, nay lại càng leo thang khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra làm giảm nguồn cung, đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Để cứu ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đang ráo riết tìm giải pháp hạ giá thức ăn chăn nuôi.

Giá “leo thang” theo căng thẳng Nga - Ukraine

Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi. Số còn lại là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gia cầm trong những năm qua, ngành sản xuất TACN công nghiệp của Việt Nam cũng không ngừng phát triển.

Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, để đáp ứng sản lượng TACN công nghiệp, Việt Nam cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh. Năm 2021, cả nước cần trên 33 triệu tấn, trong đó trong nước cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 40%), số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Chăn nuôi gà đẻ trứng tại Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.
Chăn nuôi gà đẻ trứng tại Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

Từ năm 2015 - 2020, giá nguyên liệu TACN trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần, tuy nhiên giá bắt đầu tăng và tăng liên tục từ tháng 10/2020 đến nay. So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu TACN đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc gồm: Ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg (tăng 23,1%), lúa mì 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%).

“Dự kiến giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Bởi thực tế giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 có ngô khoảng 11.000 đồng/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đồng/kg” - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh nhận định.

Nguyên nhân khiến các nguyên liệu TACN tăng giá, chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ những khu vực trồng chính tại Nam Mỹ, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đặc biệt là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine càng khiến giá nguyên liệu chế biến TACN tăng cao. Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ khoảng 1 triệu tấn/năm, chiếm 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ; ngô 3%... để làm TACN.

Việc tăng kỷ lục giá nguyên liệu TACN của thị trường quốc tế đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi. Bởi chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Do giá nguyên liệu TACN tăng mạnh nên giá TACN công nghiệp trong nước cũng tăng theo. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg (tăng 18,4%); thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg (tăng 24,5%); thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100 đồng/kg (tăng 29,8%).

 

Tỷ trọng sản lượng TACN các loại vật nuôi trên thế giới là 24% cho lợn, 42% cho gia cầm, 21% cho bò, 7% cho vật nuôi khác, 4% cho thủy sản và 2% cho thú cảnh. Như vậy, Việt Nam có cơ cấu sản lượng TACN cho lợn cao hơn và TACN cho bò thấp hơn so với thế giới.

Chủ động nguyên liệu trong nước

Thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của ngành sản xuất TACN trong nước hiện nay, ông Tống Xuân Chinh cho biết, ngành sản xuất TACN đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thế giới. Trong khi, năng lực sản xuất nguyên liệu TACN trong nước còn hạn chế, công nghệ sản xuất và quản lý TACN còn thiếu đồng bộ, do có nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển chăn nuôi tại Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 và 2030 nhu cầu thức ăn tinh của cả nước khoảng 37 và 44 triệu tấn. Vì vậy, chúng ta cần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để tránh lệ thuộc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước để hạ nhiệt giá TACN không phải chuyện một sớm một chiều, mà cần có thời gian. Để làm được việc này cần có sự chung tay của cả 3 bên. Về phía cơ quản quản lý Nhà nước, hiện nay Bộ đang đẩy mạnh triển khai tìm giải pháp thức ăn thay thế để gỡ khó cho người chăn nuôi. Trước mắt, để giảm thiểu chi phí nhập khẩu nguyên liệu, Bộ sẽ đề xuất giảm thuế thu nhập DN. Cùng với đó, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng, logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu TACN.

Về phía người chăn nuôi cũng cần chủ động thay đổi tập quán chăn nuôi, tìm nguồn thức ăn thay thế. Thực tế, tại một số tỉnh như Tiền Giang, Lào Cai thời gian qua sử dụng các nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như cám dừa, cám gạo… trong chăn nuôi lợn đã giúp giảm giá thành sản phẩm khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hay mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng công thức phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế… cũng giảm chi phí thức ăn 10 - 15% so với việc mua thức ăn hỗn hợp.

Đối với các DN sản xuất TACN cố gắng không tăng giá trong thời gian này, để xây dựng hệ sinh thái chăn nuôi tạo nên sức mạnh cho ngành. Đồng thời, áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ số trong sản xuất và quản lý giảm các chi phí sản xuất TACN. Đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược.

Về lâu dài cần cân đối chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây TACN (ngô, sắn…); tổ chức sản xuất trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã, trong đó DN sản xuất TACN thu mua ngô, sắn của nông dân với giá ổn định. Tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất TACN với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo làm TACN. Phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu giàu đạm nhập khẩu.

Mặt khác, điều chỉnh cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm (tận dụng các loại phụ phẩm trồng trọt, ngô sinh khối, cỏ, giảm tiêu thụ ngô, khô dầu các loại). Tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm TACN cho gia súc ăn cỏ. Khuyến khích DN và cơ quan quản lý áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ số trong sản xuất và quản lý giảm các chi phí sản xuất TACN. Ứng dụng công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần TACN có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm TACN.