Tìm tiếng nói chung chống biến đổi khí hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự tham dự của gần 150 nguyên thủ quốc gia, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) được kỳ vọng sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận bền vững để các nước chia sẻ trách nhiệm chống biến đổi khí hậu, một vấn đề sống còn đối với thế giới.

* Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế

Mục tiêu 20C

Bắt đầu diễn ra tại Paris (Pháp) ngày 30/11, COP21 được xem là hội nghị cực kỳ quan trọng với mục tiêu đi đến một hiệp định quốc tế về khí hậu có hiệu lực từ năm 2020, nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900).
Lực lượng an ninh Pháp bảo vệ nơi tổ chức COP 21.   	Ảnh: Reuters
Lực lượng an ninh Pháp bảo vệ nơi tổ chức COP 21. Ảnh: Reuters
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu các nước không nỗ lực cắt giảm khí thải thì nhiệt độ trái đất có thể tăng đến 4,80C vào cuối thế kỷ này. Đây sẽ là thảm họa đối với nhân loại: Mực nước biển có thể dâng cao đến 2m, nhấn chìm nhiều quốc gia đảo nhỏ và các vùng cửa sông, ven biển và đồng bằng trên Trái đất.

Nếu thỏa thuận toàn cầu này được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong suốt hơn 2 thập kỷ đàm phán về khí hậu trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý với sự tham gia của tất cả các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Tuy nhiên, do khác biệt về quan điểm và lợi ích, nên hơn 20 năm qua, kể từ khi Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua năm 1992, các nước vẫn chưa đạt được đồng thuận về một thỏa thuận mới chi tiết hóa các nội dung của Công ước này.

Cam kết của Việt Nam

Để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Hiệp định quốc tế về khí hậu này, các quốc gia tham dự đã nộp Báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết” (INDC) cho Ban Thư ký UNFCCC. Các báo cáo INDC được xem là tuyên bố chính thức của các quốc gia, thể hiện cam kết pháp lý quan trọng trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu kể từ năm 2020; cũng chính là tài liệu quan trọng cho quá trình đàm phán COP21.

Theo báo cáo INDC của Việt Nam, Chính phủ cam kết vào năm 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và 25% nếu nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự COP21 cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam - một trong những quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần