Nhưng muốn làm được điều này, nhất thiết vốn phải đưa đến đúng địa chỉ và được sử dụng hiệu quả.
Ngân hàng sàng lọc đối tượng
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu. Đồng thời yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%; theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Thực tế cho thấy, tính đến ngày 19/5, tăng trưởng tín dụng tăng 6,1% so với cuối năm 2016, là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, xét về bề rộng, giới chuyên gia kinh tế lại tỏ ra e ngại về khả năng hấp thụ vốn của các DN sản xuất, kinh doanh. Có nhiều tín hiệu cho thấy, một tỷ trọng khá lớn của dòng chảy tín dụng đổ vào bất động sản khi DN bất động sản dẫn đầu về số lượng thành lập mới trong 5 tháng qua, tăng tới 83% cả vốn và lượng.
Với các DN nhỏ và vừa, tiếp cận vốn ngân hàng đang là một nút thắt khá khó khăn. Theo bà Vũ Hoài Thu - Giám đốc công ty chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, các DN nếu không có tài sản đảm bảo như đất đai (có sổ đỏ), máy móc, hầu như khó tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tài sản trên đất thường rất khó đánh giá, định giá. Hiện cũng có nhiều ngân hàng cho vay dự án sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên nếu là DN mới nhưng không được DN hay cá nhân “có tiếng” khác giới thiệu, hiếm khi ngân hàng xem xét tới dự án, vì đánh giá tính khả thi là không đơn giản.
Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện ở mức khá cao, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cho biết, DN được ngân hàng xếp hạng A hiện vẫn phải chịu lãi suất từ 10 - 11%/năm. Với mức lãi suất này cộng thêm các khoản chi phí, thuế..., DN rất khó mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nới room - quan trọng là vốn đến đúng địa chỉ
Gần đây, một số tổ chức DN cho rằng, kịch bản lạm phát trong những tháng tới tiếp tục trong vòng kiểm soát và NHNN có thể yêu cầu hạ lãi suất, nới room so với mục tiêu ban đầu. Thực tế nhiều ngân hàng như SeaBank, ABBank, LienvietPost Bank đều công bố các chương trình ưu đãi cho vay, hướng đến các nhóm khách hàng tiêu dùng hoặc DN. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn của các DN sản xuất, kinh doanh ở mức thấp, do đó đồng vốn đến đúng nhóm đối tượng tạo ra giá trị sản xuất lại rất hạn chế.
Để có thể hạ mặt bằng lãi suất xuống, theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng cần tích cực dọn dẹp nợ xấu, nếu chậm như hiện nay có thể phải tới năm 2019 mới cơ bản giải quyết xong. Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao BIDV cho rằng: Mặc dù Quốc hội đã chuẩn bị ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng phải giữ lại lợi nhuận để trích dự phòng, hay tới đây các ngân hàng được phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá… để gia tăng vốn, sẽ giúp khơi thông vốn tín dụng, đó chính là cơ sở để hạ lãi suất xuống thấp hơn từ 1 - 2% so với hiện nay. Tuy nhiên, các bước hạ lãi suất cần được thực hiện theo lộ trình để đảm bảo cả "sức khỏe tài chính" của ngân hàng và khả năng tiếp cận của DN.
Để vốn đến với DN thực chất, một khía cạnh khác cũng được các chuyên gia đề cập là các ngân hàng sẽ tổ chức thành nhóm, trong đó có cả những chuyên gia trong từng lĩnh vực để đồng hành và sát cánh cùng DN, cả trong việc hoạch định chiến lược và triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Khi tiền đổ vào sản xuất, tín dụng có tăng trưởng 20% cũng không đáng lo ngại. |