Tín dụng tăng tốc và nỗi lo lãi suất tăng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tính đến ngày 25/4, tín dụng đã tăng 6,75%, đây là mức tăng cao hơn gấp 2 lần so với mức 3,69% cùng kỳ năm 2021 cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế .

Hơn 700.000 tỷ đồng rót vào nền kinh tế trong 4 tháng

Trước đó, vào hồi đầu tháng 4, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết: Tín dụng tăng trưởng 5,04%, nghĩa là chỉ trong chưa đầy 1 tháng, tín dụng đã tăng tới hơn 1,7%. Quý I/2021, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,16%. Được biết, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là hơn 10,44 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến 25/4/2022, hệ thống tổ chức tín dụng đã "bơm" ra nền kinh tế khoảng 705.000 tỷ đồng tín dụng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế đặt ra bài toán với NHNN về điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa không chủ quan với lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Là đầu tàu kinh tế, tính đến hết tháng 4, tổng dư nợ cho vay tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 2.583 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 4,1% so với thời điểm kết thúc năm 2021. Tại TP Hồ Chí Minh, ước tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ này nhiều năm trước đây.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo tích cực về kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, nhu cầu tín dụng năm 2022 sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14%, được hỗ trợ bởi việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh. Ngoài ra, gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng.

Năm 2022, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 - 15%. Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng lạc quan đánh giá năm nay, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng từ đó thúc đẩy cung - cầu về tín dụng. Nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20 - 30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân và doanh nghiệp.

Ổn định lãi suất cho vay trước áp lực tăng lãi suất huy động

Tín dụng cải thiện kéo theo lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng theo. Trong những tuần gần đây, thị trường chứng kiến một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục có dấu hiệu đi lên từ đầu tháng 4 đến nay. Trước đó, lãi suất huy động trong quý I/2022 đã tăng trung bình 3 điểm cơ bản so với quý IV/2021. Không ít doanh nghiệp đã lo lắng lãi suất cho vay thời gian tới sẽ duy trì ở mức tương đối cao.

Áp lực lạm phát được xem là biến số lớn nhất ảnh hưởng lên kênh tiền gửi ngân hàng lúc này, khi các quốc gia liên tục ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chạm mức kỷ lục trong hàng chục năm qua. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nói chung cũng như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói riêng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.

TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo mặt bằng lãi suất huy động năm nay nhích lên, nhưng lãi suất cho vay sẽ không tăng đột ngột do NHNN kiểm soát chặt cung tiền. Và khi kiểm soát được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế nhanh nên lãi suất vì vậy khó bị đẩy lên quá cao.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của NHNN, ít nhất trong 3 - 6 tháng tới. Theo vị này, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022.

Thực tế, NHNN đã bơm ròng vào hệ thống ngân hàng trong tuần giao dịch vừa qua thông qua kênh thị trường mở (OMO). Riêng phiên 29/4, khối lượng đột biến với 3.109,44 tỷ đồng, vẫn kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Trên thị trường liên ngân hàng, hệ thống ngân hàng trải qua tháng 4 với diễn biến tích cực: Doanh số giao dịch duy trì ở mức cao, giao dịch sôi động và đặc biệt lãi suất VND liên tiếp giảm mạnh với lãi suất qua đêm từ trên 2% đã xuống chỉ còn quanh 1,4%/năm.

NHNN cũng gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh các kênh đầu tư đang đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro như hiện nay, dòng tiền có thể quay trở lại với kênh ngân hàng như một nơi trú ẩn an toàn, đồng thời nhu cầu vay vốn ở những kênh đầu tư này cũng có thể suy giảm khiến các ngân hàng có thể giảm bớt áp lực thanh khoản, tạo điều kiện để giữ lãi suất huy động ổn định.