Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tín dụng tăng, vẫn chưa hết khó

Kinhtedothi- Tính đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước. Đây được xem là kết quả đầy tích cực nếu nhìn vào mức tăng trưởng rất thấp hoặc thậm chí tăng trưởng âm của các tháng đầu năm trong những năm trước đây.

Tăng giải ngân từ đầu năm

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong năm 2025 lên đến 16% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động cho vay, từ đó các ngân hàng cũng mạnh dạn tăng cường giải ngân vốn đầu ra ngay từ giai đoạn đầu năm, thể hiện qua kết quả tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng 16% và thông báo hết cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để chủ động trong hoạt động này.

Tín  dụng  khởi  sắc  đầu  năm. Ảnh minh hoạ

Hoạt động cho vay tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã tăng 6,2%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư toàn xã hội cũng tăng trưởng 8,3%, vượt mức 5,5% của năm trước, cho thấy cải thiện ở hai trụ cột quan trọng này. Trong khi đó, tín dụng tài chính tiêu dùng sau thời gian suy yếu cũng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Nhiều ngân hàng thời gian gần đây đã liên tục triển khai các gói cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4-5,5%/năm, phần nào kích thích cầu tín dụng cho vay mua nhà, từ đó giúp cải thiện thanh khoản thị trường bất động sản.

Ngoài ra, với các dự án đầu tư công được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, có lẽ cũng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực xây dựng.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ hơn từ quý IV năm ngoái và dự báo sẽ còn tích cực hơn trong năm nay, các doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức dễ chịu.

Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả và trở thành một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sau khi một số NHTM tăng lãi suất huy động, NHNN đã tổ chức cuộc họp và sau đó các ngân hàng điều chỉnh giảm. Mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Bài toán tăng trưởng- lạm phát

Mặc dù xu hướng giảm lãi suất huy động đang tiếp diễn, song giới chuyên môn cho rằng, rất khó để giảm thêm lãi suất trong giai đoạn tới nhất là sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa một loạt các quốc gia.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết áp lực điều hành chính sách tiền tệ ngày càng lớn do căng thẳng thương mại toàn cầu không ngừng leo thang. Sau khi Tổng thống Mỹ công bố sắc thuế, JP Morgan dự báo lạm phát của Mỹ có thể tăng thêm 1,5%. Theo đó lộ trình giảm lãi suất của Fed chậm lại và chính sách tiền tệ thế giới đang phân hoá. Một số NHTƯ đã tạm dừng cắt giảm lãi suất và khi Mỹ áp thuế, một số đối tác thương mại lớn cũng đã công bố áp thuế trả đũa gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi, nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Liên quan đến tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tại các NHTM đã tăng thêm 0,6%.

"NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với thời điều và liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà giữa ổn định tỷ giá và mục tiêu giảm lãi suất"- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cũng lo ngại chính sách mới về thuế quan của Mỹ, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro.

Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), thách thức lớn sẽ là biến động rủi ro trên thị trường tài chính khi đồng đô la Mỹ tăng. Nhìn lại nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đồng USD cũng tăng mạnh ở thời điểm bắt đầu tăng thuế quan. Dự báo của UOB cho thấy trong thời điểm quý II/2025, chỉ số DXY có thể lên tới ngưỡng gần 113 (hiện xoay quanh mức 107 điểm), sau đó sẽ giảm dần.

“Trong bối cảnh tỷ giá của các thị trường bị áp thuế đồng loạt mất giá, đồng nhân dân tệ nếu suy yếu để đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng làm trầm trọng thêm áp lực tỷ giá, buộc NHNN phải điều hành linh hoạt hơn để ổn định thị trường ngoại hối”.

Ông Suan Teck Kin nhận định: nhìn chung, Việt Nam khó cắt giảm lãi suất vì áp lực đô la vẫn ở mức cao, lạm phát cũng chưa đủ thấp, nhưng cũng chưa có cơ sở tăng lãi suất. Thời gian gần đây lãi suất phát hành tín phiếu giảm về mức 3,5% từ mức trước đó là 4%. Điều này cho thấy NHNN sẵn sàng cắt giảm lãi suất khi có cơ hội.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 12 tháng quanh mức 4,8-5% của một nhóm và khoảng 5,5% ổn định trong những tháng gần đây với nhóm thứ hai. Đây là mức lãi suất phù hợp trong bối cảnh tiền đồng giảm giá khoảng 5% so với đồng USD trong năm 2024. Trong bối cảnh hiện tại, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, thay vì tiếp tục giảm lãi suất, Việt Nam cần ưu tiên ổn định vĩ mô, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và DN, đồng thời tận dụng các công cụ tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Để đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay đồng nghĩa với việc tín dụng phải tăng thêm ít nhất 16% – tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng được “rót” vào nền kinh tế. Điều này đặt NHNN trước một bài toán khó: làm sao để vừa thúc đẩy tăng trưởng – điều kiện then chốt để tạo việc làm và cải thiện thu nhập – vừa kiểm soát lạm phát nhằm bảo vệ sức mua của người dân. Chính sách tiền tệ vì thế đòi hỏi phải được điều hành hết sức linh hoạt, tinh tế, tránh gây bất ổn vĩ mô.
TS Lê Xuân Nghĩa

Hà Nội: GRDP quý I/2025 tăng cao nhất trong 5 năm gần đây

Hà Nội: GRDP quý I/2025 tăng cao nhất trong 5 năm gần đây

Giá vàng hôm nay 8/4: tiếp tục lao dốc

Giá vàng hôm nay 8/4: tiếp tục lao dốc

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Vụ sữa giả thu 500 tỷ đồng: người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”

Vụ sữa giả thu 500 tỷ đồng: người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”

16 Apr, 10:13 PM

Kinhtedothi - Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, bức xúc khi vụ sản xuất sữa giả, doanh thu lên tới 500 tỷ đồng vừa bị cơ quan điều tra phanh phui. Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động thị trường nội địa bị buông lỏng quản lý, người tiêu dùng “chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai”.

Khánh thành đập Sabo giảm rủi ro thiên tai đầu tiên tại Việt Nam

Khánh thành đập Sabo giảm rủi ro thiên tai đầu tiên tại Việt Nam

16 Apr, 04:35 PM

Kinhtedothi - Sáng 16/4, tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT), Sở NN&MT tỉnh Sơn La phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) - Văn phòng tại Việt Nam khánh thành đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam nhằm giảm rủi ro do sạt lở đất, lũ quét.

Phân tán rủi ro, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

Phân tán rủi ro, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu

16 Apr, 04:05 PM

Kinhtedothi - Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” để đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ. Việc cần làm của các DN Việt hiện nay là thay đổi chiến lược xuất khẩu, chuyển từ cạnh tranh giá rẻ sang chất lượng, xanh hoá và bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ