Bởi kinh tế tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng, nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất là việc phát triển nguồn tín dụng đối với tiêu dùng của hệ thống các tổ chức Tín dụng (TCTD) còn hết sức hạn chế.
Tín dụng tiêu dùng phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng
Tín dụng tiêu dùng hiện diện ở Việt Nam từ lâu, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân đây vẫn còn là một thị trường phát triển chưa xứng tiềm năng. Ở Việt Nam, mặc dù tín dụng tiêu dùng tăng nhanh vài năm gần đây, song vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ 9,8%. Tiềm năng thị trường còn rộng lớn, tín dụng tiêu dùng được xem là “miếng bánh” béo bở của thị trường tài chính Việt Nam. Với quy mô hơn 93 triệu dân, trong đó có 55 triệu dân trong độ tuổi 20 - 59 tuổi, mặt khác, thời gian gần đây, thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi mạnh mẽ, chuyển từ vay người thân sang vay ngân hàng, vay công ty tài chính để mua sắm nhà cửa, xe cộ, đồ dùng cá nhân và gia đình
Người vay tiêu dùng tại cửa hàng của Thế giới di động |
Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo dự báo, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng liên tục 20% - 30%/năm từ năm 2010 đến nay, con số 01 triệu tỷ đồng có thể sẽ đạt được sớm hơn so với dự báo. Một thực tế cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) chiếm 87,6% phục vụ cho gần 40% nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương gần 20 triệu khách hàng) với các gói tín dụng có giá trị cao.
Cần tháo gỡ những rào cản từ các nhà băng
Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện tập trung vào phân khúc dành cho người thu nhập thấp, nhưng lãi suất của loại hình dịch vụ này lại khá cao. Rõ ràng điều này đã tạo nên nghịch lý trong hoạt động cho vay của các TCTD. Đặc trưng của vay tiêu dùng là các khoản vay có giá trị nhỏ, thời hạn ngắn, gắn liền với mục đích mua hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, các khoản vay tiêu dùng thường hướng đến phân khúc khách hàng là những người có điểm tín dụng thấp, những người không đủ điều kiện đi vay tại các NHTM, chưa có lịch sử tín dụng hoặc có mức thu nhập thấp hơn. Để có thể cho vay với nhóm đối tượng như vậy, rủi ro của các công ty tài chính (CTTC) là rất lớn. Đồng thời chi phí để quản trị các khoản vay nhỏ tính trên dư nợ cho vay cũng lớn hơn so với các khoản vay giá trị lớn. Do đó, lãi suất cho vay của TCTD cần đủ để bù đắp được rủi ro và chi phí mà họ bỏ ra và thông thường là cao hơn so với lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, việc so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh của các NHTM để nói rằng lãi suất cho vay tiêu dùng cao là điều khá khập khiễng. Thực tế cần phải nhìn nhận từ sự phát triển của thị trường, đánh giá từ cả phía cung và phía cầu để tìm được điểm cân bằng của thị trường, từ đó sẽ có được mức lãi suất hay là mức giá cả hợp lý.
Tuy nhiên nhìn từ khía cạnh người vay tiêu dùng, ông Lê Bính, Tổng Giám đốc công ty Bính Mai, có nhà máy tại khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên cho hay. Hiện doanh nghiệp của ông có trên 800 cán bô, nhân viên, có khoảng 45% trong số đó có quan hệ tín dụng tiêu dùng với các NHTM và các CTTC. Họ thường tiếp cận với các khoản tín dụng tiêu dùng để mua sắm các vật dụng thiết yếu như điện thoại, xe máy, thiết bị điện máy, điện tử...để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Các khoản vay này thường được bảo đảm bằng bảng lương và thu nhập tại doanh nghiệp. Theo ông Bính cho biết, với nhân viên của ông, việc mua sắm các vật dụng cần thiết bằng tín dụng tiêu dùng, cho dù từ nguồn nào và lãi suất có cao hơn chút ít cũng không quan trọng. Điều quan trọng là họ chỉ cần trích một phần thu nhập ổn định hàng tháng để trả và họ mua sắm được những vật dụng cần thiết phục vụ cho công việc, sinh hoạt kịp thời. Tuy nhiên ông Bính cũng chia sẻ những khoản vay tín dụng này thường nhỏ, nhiều khi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng mua sắm dù nhân viên công ty của ông Bính có thể có thu nhập tốt và khá ổn định.
Muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì phải tăng hạn mức cho vay và nới lỏng hơn các điều kiện vay. Nếu lãi suất cho vay phù hợp, thời hạn cho vay hợp lý thì khoản trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không quá lớn, chắc chắn nhu cầu vay tiêu dùng sẽ tăng.
Hiện nay, người dân rất thiếu thông tin của các chương trình tín dụng tiêu dùng, dẫn đến việc thận trọng trong vay tiêu dùng. Nhưng nhu cầu vay tiêu dùng luôn có, dù tình hình nào đi nữa, vẫn có người muốn vay tiền để sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện đi lại, hoặc chi cho con cái học hành ở nước ngoài…
Cần phải nhìn nhận rằng, các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa quan tâm thỏa đáng đến khoản vay tiêu dùng cho người dân.
Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7. Tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam rất lớn. Cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng phục vụ tăng trưởng của Chính phủ, việc vay tiêu dùng được dự báo sẽ có thể bùng nổ ở Việt Nam thời gian tới.