Tín dụng tiêu dùng tăng cao: Tiềm năng lớn, rủi ro nhiều

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ chiếm khoảng 18%. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTC) điều này đồng nghĩa với quy mô thị trường cho vay tiêu dùng cuối năm 2017 đã đạt tới 1 triệu tỷ đồng, tương đương với khoảng 51 tỷ USD.

Tăng thần tốc
Tín dụng của toàn bộ nền kinh tế năm 2017 tăng trưởng khoảng 18%, trong đó tín dụng tiêu dùng tăng đột biến tới 65% so với năm 2016. Nếu như cách đây vài năm, việc trả góp sau khi thanh toán bằng thẻ tín dụng chỉ phổ biến ở các ngân hàng như ANZ, HSBC, Sacombank... thì hiện nay, ngày càng nhiều NHTM chú trọng phát triển sản phẩm này nhằm tấn công vào các đơn vị bán lẻ. “Ngoài ra, kết hợp với những yếu tố tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định thì hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam trong năm 2018 sẽ tiếp tục khởi sắc và có sự tăng trưởng cao” - ông Nguyễn Văn Thùy - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, UBGSTC đánh giá.
 Tư vấn cho khách hàng làm thẻ tín dụng tại VIB. Ảnh: Việt Linh
Nguyên nhân chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Theo UBGSTC, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.

Đủ hình thức cho vay

Không thể phủ nhận tín dụng tiêu dùng vừa là phương tiện hỗ trợ tài chính hữu ích cho người tiêu dùng, vừa giúp các tổ chức tín dụng cải thiện lợi nhuận, song không ít ý kiến tỏ ra lo ngại việc chạy đua giành thị phần mà không kiểm soát được rủi ro dễ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” tín dụng tài chính cá nhân.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cảnh báo, đang có hiện tượng ngân hàng “đẩy” tín dụng tiêu dùng (trong đó có tín dụng bất động sản) sang công ty tài chính và điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Năm 1997, tại Trung Quốc và Thái Lan, hàng loạt công ty tài chính (kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản) đã đổ bể.

Thực tế, thị trường cho vay tiêu dùng đang có tốc độ phát triển khá mạnh mẽ, với đủ hình hình thức, sản phẩm. Với các khoản vay tiêu dùng hoặc phát hành thẻ tín dụng, việc thẩm định hồ sơ của nhiều ngân hàng đã được tự động hóa thay vì phải tốn nhiều thời gian trình duyệt như trước đây. Tất nhiên các khoản vay này là tín chấp, thậm chí một số công ty tài chính còn không đòi hỏi khách hàng phải chứng minh thu nhập.

Ngoài ưu điểm về thời gian vay, sự phát triển của công nghệ số trong thời gian qua cũng giúp cho những khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng thấp hay chưa có lịch sử tín dụng dễ dàng tiếp cận được vốn vay. Lãi suất được tính dựa trên cơ sở phân tích thông tin tài khoản tín dụng, tài khoản mạng xã hội… và khách hàng sẽ được chia thành các dạng tương ứng như của ngân hàng truyền thống. Các công ty tài chính lớn hiện nay như FE CREDIT, Home Credit... hầu hết đều ứng dụng ví điện tử Momo, Payoo để giúp khách hàng trả góp và nhận tiền giải ngân mà không cần phải đến các điểm giao dịch.

Bên cạnh những hình thức đó, một mô hình với cách thức đầu tư mới đã được hình thành là cho vay ngang hàng - một kiểu Uber, Grab trong tài chính và nhiều người tiêu dùng đang bắt đầu làm quen với phương thức vay mượn thời đại công nghệ 4.0 này. Tại Việt Nam cũng đã hình thành một số sàn giao dịch P2P như HuyDong, Tima, Fundstart… Mặc dù khối lượng các sàn giao dịch P2P tại Việt Nam còn ít, nhưng hình thức này sẽ trở nên phổ biến trong tương lai và sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong thị trường tài chính tiêu dùng. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cần có một cơ quan chức năng để giám sát và quản lý những người tham gia mới này để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu.

"Theo UBGSTC, trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%, cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%. Vay để sửa chữa nhà thì không đáng lo, vì đây là những người vay thực sự có nhu cầu nhà ở. Còn nếu như khách hàng vay chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ thì sẽ tiềm ẩn rủi ro bong bóng, nguy cơ thổi giá. Về lâu dài, cần bóc tách cho vay mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng để cơ quan quản lý dễ nhận diện rủi ro hơn." - TS Cấn Văn Lực

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần