Tín hiệu vui cho thời trang Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam lần đầu tiên khép lại, Tuần lễ thời trang Xuân - Hè mở ra, người quan tâm đến thời trang mới thấy rõ những bước sải mà thời trang Việt đang đi.

Mừng cho một lĩnh vực mà chưa hẳn đã được khẳng định tại Việt Nam, song người ta thấy rằng: Việt Nam cần có chính sách bảo vệ quyền sản phẩm cho các mẫu thiết kế.

Hội nhập

Cứ nhìn vào những đổi thay trên sàn catwalk Việt thời gian gần đây là thấy cánh cửa hội nhập đã mở ra cho các nhà thiết kế (NTK) trong nước khám phá. Ngay từ show truyền hình thực tế "Project Runway Vietnam", các "mầm non" thiết kế thời trang đã không còn loanh quanh trong làng thời trang nội, mà đã được tiếp cận với tư duy thiết kế của Hàn Quốc, được mở đường đến với kinh đô thời trang Paris. Những cơ hội ra thế giới cũng được mở ra từ đó, dù chưa lớn lắm, song cũng có thể xem là một trong những điểm khởi đầu đầy hy vọng.

 
Bộ sưu tập đoạt giải Nhất của nhà thiết kếLý Giám Tiền trong đêm chung kết Project Runway Vietnam 2014.
Bộ sưu tập đoạt giải Nhất của nhà thiết kếLý Giám Tiền trong đêm chung kết Project Runway Vietnam 2014.
Chính từ sân chơi này, Giám đốc điều hành Học viện thời trang Atelier Chardon Savard (Pháp) - ông Jean Paul Cauvin - cố vấn thời trang của "Project Runway Vietnam" cũng công nhận: Các NTK trẻ của Việt Nam thiệt thòi hơn vì chưa có nền tảng vững chắc. Nhưng chính quyết tâm và sự ham học hỏi, họ chính là người sẽ tạo nên xu hướng thời trang trong tương lai. 

Đến Tuần lễ thời trang quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam vừa rồi, sự hội nhập của thời trang Việt càng được khẳng định. Không chỉ là "lời hứa" mà đây chính xác là một sân chơi theo đúng chuẩn quốc tế, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thời trang nước nhà. Bởi sàn catwalk này hội tụ nhiều NTK và các nhân vật uy tín trong làng thời trang thế giới để "người nhà mình" có thể giao lưu, học hỏi và giới thiệu tâm huyết của mình đến bạn bè thế giới. Cơ hội và triển vọng được chính các NTK Việt nhìn thấy. NTK Đỗ Mạnh Cường nhìn nhận: "Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam là cơ hội tốt cho NTK trẻ - những người chưa có đủ điều kiện đứng ra làm chương trình riêng mang tên mình", và  như bà Lưu Nga (giám khảo của Project Runway) chia sẻ: "Người Việt Nam có xu hướng thiên về thời trang ứng dụng, trong khi đó, trang phục trình diễn mới nói lên ý đồ sáng tạo và cái tôi của nhà thiết kế". Điều quan trọng hơn cả là từ đây Việt Nam đã có một tuần lễ thời trang chuẩn quốc tế và ghi tên lên bản đồ thời trang thế giới. Ngay cả việc 3 NTK Việt (Quỳnh Trang, Nguyễn Công Trí, Hoàng Minh Hà) được kết nạp vào thành viên của Hiệp hội thời trang châu Á cũng là một tín hiệu tràn đầy niềm vui của thời trang Việt trên con đường hội nhập thế giới.

Và ngay trong Tuần lễ thời trang Xuân - Hè 2015 vừa kết thúc, công chúng cũng thấy mối giao lưu mở ra giữa thời trang Ý và Việt Nam. Ngoài những bộ sưu tập được trình diễn trên sân khấu, ngoài những tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng, người ta đã biết rõ hơn về Hiệp hội thời trang Ý - Việt được xây dựng nhằm thúc đẩy và nâng cao sự phát triển của thời trang 2 nước.

Cần chính sách bảo vệ quyền sản phẩm thời trang

Bằng con mắt nghề, ông Jean Paul Cauvin từng khẳng định, thị trường thời trang Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng năng động và nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, như ông phân tích, thời trang không chỉ là quần áo, mà là một nền công nghiệp với nhiều mắt xích liên quan. Trong đó, NTK không chỉ có mỗi nhiệm vụ tạo ra bộ sưu tập đẹp, mà còn phải quảng bá, truyền thông để nó trở thành xu hướng được mọi người hướng đến. Vì thế ở châu Âu, NTK ngoài học chuyên môn còn học hết thảy những gì liên quan đến kinh doanh thời trang như thiết kế, trưng bày mẫu, quản lý, cách quảng bá sản phẩm, mối quan hệ với khách hàng, truyền thông… Rõ ràng điều này ở Việt Nam chưa được định hình - một khoảng trống khiến các NTK Việt chưa tạo được tiếng vang trong nghề.

Một điều nữa của làng thời trang Việt là vấn đề sao chép, khiến nhiều mẫu "nhái" giá rẻ có mặt trên thị trường. Thiệt hại đã rõ ràng, song để thay đổi được không phải một sớm một chiều. Bởi người tiêu dùng Việt lâu nay chỉ có thói quen thẩm định các mẫu trang phục theo mắt nhìn cá nhân, chưa có kiến thức nhất định về thời trang. Ngay cả ngành dệt may trong nước bấy lâu nay cũng vẫn chỉ quen với việc may gia công cho các hãng thời trang nổi tiếng. Để hạn chế tình trạng này, không gì hơn là có những chính sách bảo vệ bản quyền các sản phẩm thời trang. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc đã cho thấy rõ điều đó.

Thời trang Việt đang có những tín hiệu sáng từ các tuần lễ thời trang, các show trình diễn chuyên nghiệp. Nếu lấp được những lỗ hổng về đào tạo, thị trường, bản quyền, con đường đến một nền công nghiệp thời trang đích thực sẽ rút ngắn lại.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần