Do ảnh hưởng của bão số 8 ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 19m/s (cấp 8), ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 24m/s (cấp 9), ở Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh 10 m/s (cấp 5), giật 17m/s (cấp 7); ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 17m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 19m/s (cấp 8), Tp.Huế có gió giật 12m/s (cấp 6);
Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 50 – 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Tà Rụt (Quảng Trị) 138mm; Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 196mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 135mm; Quảng Ngãi 138mm …
Hướng đi của cơn bão số 8. Ảnh: nchmf.
Hồi 19 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 19 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.
Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Đông Bắc Bắc Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội; khu vực Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Bão số 8 có khả năng di chuyển dọc ven biển nên các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ sáng mai (28/10) có gió giật cấp 6, cấp 7.
Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 – 4m.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng chống bão số 8 tại các vùng biển Quảng Trị. Ảnh: Hoài Bảo.
Quảng Trị: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, ngày 27/10, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra và đôn đốc tình hình phòng, chống bão số 8 tại các địa phương vùng ven biển. Tại vùng biển bãi ngang các xã Triệu An, Triệu Lăng – huyện Triệu Phong; Hải An, Hải Khê – huyện Hải Lăng, nhà cửa, tàu thuyền của hơn 3.000 hộ dân đã được chằng chống, neo đậu an toàn. Ông Trần Mai Son, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết, công tác phòng chống bão số 8 ở địa phương đã được thực hiện từ chiều và đêm 26-10. Các lực lượng Công an, Xã đội, Thanh niên xung kích đã khẩn trương, tích cực giúp dân chằng néo nhà cửa, neo đậu ghe thuyền an toàn. Tại xã Hải An, các lực lượng vũ trang đã di dời gần 50 hộ dân sát bờ biển đến trú tránh bão, lụt ở vùng cao.
Mưa to do ảnh hưởng bão số 8 ở Thừa Thiên Huế. Ảnh : VTC.
Thừa Thiên - Huế: Do chịu ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 8. Từ 16 giờ chiều nay (27/10) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bắt đầu xuất hiện gió giật mạnh, kèm theo mưa lớn, với lượng mưa phổ biến từ 60-100mm.
Riêng tại huyện miền núi A Lưới lượng mưa đo được lúc 16 giờ chiều nay lên đến 131mm. Trong khi đó, tại TP.Huế có gió giật mạnh 12m/s (cấp 6).
Đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban PCLB TƯ, kiểm tra công tác PCLB tại cảng cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia.
Thanh Hóa: Ngày 27/10, đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trưởng ban PCLB Trung ương và đoàn công tác Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia đã đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 8 tại Thanh Hóa.
Tính đến 15 giờ ngày 27/10, tại cảng cá Lạch Bạng đã có 700 tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, trong đó có 200 phương tiện của địa phương, còn lại là của các địa phương lân cận. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia vẫn còn hơn 100ha lúa mùa chưa thu hoạch, 16 hồ đập trong vùng mất an toàn; một số trạm bơm chưa hoạt động hết công suất do bị mất điện và còn 1 tàu cá chưa liên lạc được.
Tại cảng cá Lạch Hới, có 608 tàu thuyền đã vào nơi tránh, trú an toàn. Các tuyến đê xung yếu trên địa bàn thị xã Sầm Sơn đã có lực lượng xung kích thường trực 24/24...