Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - gìn giữ khối đoàn kết trường tồn

Kinhtedothi- Việc thờ cúng Hùng Vương hay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà về mặt tâm linh là giữ gìn cho khối đại đoàn kết dân tộc trường tồn.

Phát huy giá trị tích cực thờ cúng tổ tiên

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị như vậy khi trao đổi về Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng.

Người dân dâng hương tại đền Thượng, Khu di tích đền Hùng. Ảnh: Ngọc Tú

Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 được tổ chức từ ngày 29/3 - 7/4 (tức từ ngày 1/3 đến hết ngày 10/3 Âm lịch) với nhiều hoạt động đặc sắc, mang hào khí của thời đại Hùng Vương và được kế thừa, tiếp nối trong xã hội đương đại. Các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, thành kính theo truyền thống văn hóa dân tộc. Chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong Tuần văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 được tổ chức vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, người Việt vốn có phong tục thờ cúng tổ tiên. Truyền thống văn hóa này dần nâng lên thành lòng kính ngưỡng sâu sắc về người khai sinh ra đất nước, tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ. Đó cũng là lý do Việt Nam giữ được hồn cốt của mình để giành độc lập dân tộc. Cũng bởi, mỗi làng xã Việt Nam là một lô cốt để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Và một trong những giá trị văn hóa truyền thống đó là tục thờ cúng tổ tiên có ở tất cả các làng xã. Từ phong tục thờ cúng tổ tiên tiến hành rời rạc, đơn lẻ ở các gia đình trong làng xã phát triển thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ là một bước tiến dài trong ý thức về cộng đồng dân tộc.

Trong các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thì sự khác biệt của Việt Nam với ba nước kia chính là sự đề cao chữ Hiếu. Theo giáo lý của đạo Khổng, các chuẩn mực đạo đức đều giống nhau nhưng đối với người Trung Quốc có giá trị đạo đức số một là Lễ, người Nhật thì đạo đức đầu tiên là Tín còn người Hàn lại đề cao chữ Dũng. Tôn sùng đạo Hiếu của người Việt có mối liên hệ mật thiết với ý thức tôn trọng dòng tộc và phong tục tục thờ cúng tổ tiên.

Sự kiện ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một dấu mốc quan quan trọng ghi nhận ở tầm quốc tế di sản văn hóa này; đồng thời truyền thống được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm của dân tộc ta đã được nâng lên một tầm cao mới. Đó là một trong những di sản quý báu giúp chúng ta củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết.

Dân tộc Việt Nam từng trải qua những thử thách hiểm nghèo với với bao lần phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh và hung hãn. Sức mạnh vô địch và vô biên giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù chính là đoàn kết dân tộc, là trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức. Đó là truyền thống văn hóa mang tính tâm linh như bọc trăm trứng nở ra một trăm người con (đồng bào cùng một bọc). Và bây giờ chúng ta có cùng một tổ tiên là Vua Hùng. “Cho nên ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không phải chỉ là một nét đẹp văn hóa mà về mặt tâm linh là giữ gìn cho khối đại đoàn kết dân tộc trường tồn. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, tất cả các cấp chính quyền đều đặc biệt chú ý tới việc củng cố, phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên” – GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Sáng tạo, biến tài nguyên thành sản phẩm văn hóa

Hiện nay, chúng ta đã làm rất tốt việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương cùng các hoạt động Lễ hội đền Hùng. Nhưng trong một tư duy rất mới, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021 do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì có đặt ra một yêu cầu, đó là phải biến những giá trị chúng ta tôn vinh, kính ngưỡng, đề cao thành tài nguyên có thể khai thác cho công cuộc phát triển của đất nước hiện nay; chính là nền tảng của sự phát triển.

Người dân dâng hương tại đền Thượng, Khu di tích đền Hùng. Ảnh: Ngọc Tú

Đương nhiên, để tài nguyên có thể khai thác được giá trị di sản gắn với không gian văn hóa Hùng Vương thì cần có sự kết hợp của 3 nhà trên quy mô cả nước cũng như tỉnh Phú Thọ. Đó là tầm nhìn của người lãnh đạo hay nhà quản lý; ý kiến tham vấn của nhà chuyên môn trong đó có nhà khoa học chuyên về vấn đề này và nhà đầu tư. Không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Bởi vì, đầu tư cho văn hóa, nếu chúng ta coi nó là tài nguyên thì mới chỉ là nguyên liệu. Cần phải tính toán khai thác thế nào, tạo ra những sản phẩm ra sao để cuối cùng thu lại được phần đã đầu tư đi. Ví dụ, ở Trung Quốc có vùng Hàng Châu trước kia là kinh đô của thành nhà Tống, ngày nay người ta đã sáng tạo hoàn toàn mới bằng cách lượm lại rất cả những câu chuyện dân gian nói về các mối tình để diễn vở thực cảnh mang tên Tống Thành cổ tình sử. Vở diễn này thu hút rất đông du khách đến xem và ai cũng trầm trồ khen ngợi, dù giá vé rất cao.

Đối với tỉnh Phú Thọ, chúng ta cũng có nhiều chất liệu để tổ chức vở diễn thực cảnh chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh với nhiều câu chuyện hay, ly kỳ, hấp dẫn; đây cũng là sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương. Như thế, người dân thập phương và du khách đến Phú Thọ trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để thắp hương tưởng nhớ mà còn có thể tham gia các tour du lịch. Và những người không thể đến đền Hùng đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thì vẫn có thể đi vào những ngày khác để chiêm bái và xem thực cảnh Sơn Tinh - Thủy Tinh. Khi có các đêm diễn thực cảnh Sơn Tinh - Thủy Tinh thì Phú Thọ sẽ giữ chân được nhiều du khách. Hay ví dụ khác, Phú Thọ có thể làm bảo tàng tranh 3D khổ to, rộng gồm những hình ảnh về khu di tích lịch sử đền Hùng và những câu chuyện liên quan đến vua Hùng, bánh chưng, bánh dày... có bán vé thì sẽ thu hút nhiều người dân, du khách đến xem và chụp ảnh. Hoặc từ thực tế Angkor Wat là quần thể đền đài tại Campuchia, để thu hút thêm du khách, người ta đã làm một bảo tàng 3D tái hiện quá trình xây dựng Angkor Wat, bán vé 15 USD, người đến xem ngày càng đông hơn, giúp doanh thu tăng mạnh. Bên cạnh đó, họ còn dựng những vở thực cảnh như Đêm Angkor diễn lại chuyện xưa, có vua chúa đi lại trong ánh sáng lung linh, rất đẹp, rất hút người xem…

Như vậy, địa phương phải biết cách biến những tài nguyên thành sản phẩm văn hóa như thế thì mới hấp dẫn người dân thập phương và khách du lịch. Một ví dụ gần chúng ta nhất là nữ ca sĩ Hòa Minzy đã ra mắt MV “Bắc Bling” sử dụng nhạc cụ dân tộc là đàn nguyệt, sáo, nhị, trống nhưng được phối khí theo phong cách mới với tiết tấu nhanh. “Bắc Bling” thuộc thể loại dân ca quan họ Bắc Ninh nhưng kết hợp với phong cách hip hop hiện đại. Trong “Bắc Bling” còn có lồng ghép loại hình ca hát đặc trưng của Bắc Bộ như hát xẩm, hát chèo. Sau 1 tháng ra mắt, “Bắc Bling” đã đạt hơn 110 triệu lượt xem trên YouTube. Điều này cho thấy, tỉnh Phú Thọ có thể khai thác những giá trị di sản gắn với không gian văn hóa Hùng Vương như hát xoan theo hướng “Bắc Bling”, nhưng đi sâu vào khai thác hát xoan như thế nào thì là câu chuyện phải bàn rất cụ thể.

Với sự sáng tạo để biến tài nguyên thành sản phẩm văn hóa chắc chắn trong thời gian tới Phú Thọ sẽ làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trí tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những di sản gắn với không gian văn hóa Hùng Vương trong đời sống đương đại.q

Tour ngắn ngày “lên ngôi” dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Tour ngắn ngày “lên ngôi” dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Chiếu 6 bộ phim đặc sắc trong Tuần lễ phim Việt Nam tại Hy Lạp

Chiếu 6 bộ phim đặc sắc trong Tuần lễ phim Việt Nam tại Hy Lạp

08 Apr, 05:33 PM

Kinhtedothi - Từ ngày 10 - 20/5/2025, tại Hy Lạp sẽ diễn ra Tuần lễ phim Việt Nam, giới thiệu đến với bạn bè quốc tế 6 bộ phim đã từng giành giải thưởng trong nước và nước ngoài hoặc được khán giả yêu thích với nội dung phản ánh lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ