Tin tức kinh tế 1/4: giá vàng lập đỉnh, tăng vọt lên gần 103 triệu đồng/lượng
Kinhtedothi – Giá vàng lập đỉnh, tăng vọt lên gần 103 triệu đồng/lượng; xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I tăng trên 13%; thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 1/4.
Giá vàng lập đỉnh, tăng vọt lên gần 103 triệu đồng/lượng
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay 0,77% so với mức chốt phiên ngày hôm qua, tương đương với mức tăng 24,3 USD/ounce, tiến lên mức 3.144,8 USD/ounce.

Tin tức kinh tế 1/4: giá vàng lập đỉnh, tăng vọt lên gần 103 triệu đồng/lượng. Ảnh minh hoạ.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 99,6 triệu – 102,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), lập kỷ lục lịch sử. Giá vàng miếng tăng 400.000 đồng/lượng đối với chiều mua và tăng 800.000 đồng/lượng đối với chiều bán so với giá chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, vàng nhẫn SJC loại 999,9 giao dịch ở mức 99,7 triệu – 102 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng đối với cả chiều mua và tăng 800.000 đồng/lượng đối với chiều bán so với hôm qua.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I tăng trên 13%
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 3 năm 2025 của Việt Nam ước đạt 6,14 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản quý I ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 13,1%.
Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; chăn nuôi 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; thủy sản 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%; lâm sản 4,21 tỷ USD, tăng 11,2%. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có thặng dư thương mại.
Thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc
3 tháng đầu năm 2025, 2 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam và thành phố Hải Phòng thu hút nhiều vốn FDI từ các tập đoàn công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế.
Tại Bắc Ninh, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2025, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 doanh nghiệp với tổng vốn 1,8 tỷ USD, trong đó FDI đạt 1,67 tỷ USD. Bắc Ninh kiên trì thu hút dự án FDI theo tiêu chí “Hai ít - Ba cao - Bốn sẵn sàng - Một không” nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững.
Hải Phòng năm 2024 thu hút 4,9 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ hai cả nước, và đặt mục tiêu 4,5 tỷ USD năm 2025. Thành phố tập trung phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam với quy mô 20.000 ha, hướng tới công nghiệp công nghệ cao, logistics, đô thị thông minh.
Hà Nam đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD FDI năm 2025, riêng quý I đã đạt 500 triệu USD. Tỉnh phát triển các khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ, đảm bảo hạ tầng đồng bộ. Hà Nam vừa được Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu Công nghệ cao với diện tích 663 ha tại huyện Lý Nhân, kết nối với các tuyến cao tốc trọng điểm.
Việt Nam vào danh sách 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á
Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ vào xu hướng bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài, với quy mô GDP dự kiến năm 2025 đạt trên 500 tỷ USD, đứng thứ 12 khu vực Châu Á. Đây là nhận định của trang Seasia Stats.
Cũng theo xếp hạng của Seasia, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nhật Bản đứng thứ 2, tiếp theo là Ấn Độ, Hàn Quốc... Trong các nước Đông Nam Á có Indonesia lọt top 5.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn chỉ tiêu cho phép. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2023...
Thu hút FDI là điểm sáng của phát triển kinh tế Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; thu hút FDI đạt 31 tỷ USD (tính đến tháng 11/2024), vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024).
Thị trường ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu có vấn đề, trị giá 5.540 tỷ đồng
Báo cáo thị trường trái phiếu mới nhất của FiinRatings cho thấy, áp lực đáo hạn trái phiếu thời gian tới vẫn rất lớn. Trong quý II/2025 có khoảng 40.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đáo hạn, trong đó, 16.500 tỷ đồng đáo hạn (40,7% tổng giá trị) thuộc về nhóm bất động sản, 11.900 tỷ đồng (29,2% tổng giá trị) thuộc về lĩnh vực khác và 8.200 tỷ đồng (20,2% tổng giá trị) thuộc về nhóm tổ chức tín dụng.
So với đầu năm, thị trường ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề, trị giá 5.540 tỷ đồng, tăng 2,32% so với quý IV/2024 và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2024. Điều tích cực là giá trị tăng thêm đã chạm mức thấp nhất kể từ khi giai đoạn đỉnh điểm của trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề vào tháng 2/2023.
Trong số trái phiếu có vấn đề, 63,4% giá trị đến từ nhóm bất động sản, các doanh nghiệp này đã có loạt lô trái phiếu doanh nghiệp giãn hoãn thời gian thanh toán trước đó và vẫn còn nghĩa vụ nợ đáo hạn lớn trong 12 tháng tới, báo hiệu tình trạng chậm trả/giãn hoãn tiếp tục trong năm 2025 đối với nhóm trên.

Tin tức kinh tế 28/3: giá sầu riêng tăng trở lại
Kinhtedothi – Giá vàng lại vượt 100 triệu đồng/lượng; nợ xấu năm 2025 có thể tăng nhẹ giá sầu riêng tăng trở lại… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 28/3.

Tin tức kinh tế 30/3: tăng trưởng tín dụng khởi sắc đầu năm
Kinhtedothi – Giá vàng SJC đã tăng tới 4 triệu đồng/lượng; tăng trưởng tín dụng khởi sắc đầu năm; giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 9% kế hoạch 3 tháng… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 30/3.

Tin tức kinh tế 31/3: xuất khẩu cà phê hướng tới kỷ lục
Kinhtedothi – Giá vàng tăng sát mốc 102 triệu đồng/lượng; nhiều ngân hàng điều chỉnh ưu đãi vay mua nhà; xuất khẩu cà phê hướng tới kỷ lục 8 - 10 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 31/3.