Tổ chức tín dụng chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng
Ngay từ cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để chủ động triển khai thực hiện.

Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng căn cứ kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 62 năm 2022 của Quốc hội.
Năm 2025, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Giá vàng tiếp đà tăng mạnh
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở mức 2.898,62 USD/ounce, tăng 14,62 USD/ounce, tương đương với mức tăng 0,51% trong 24 giờ qua.
Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), niêm yết giá vàng miếng ở mức 88,6 – 91,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng thêm 300.000 đồng/lượng mỗi chiều so với sáng 18/2.
Tương tự vàng miếng, giá vàng nhẫn tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 89,5 - 91,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng hơn 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán ra so với sáng 18/2.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm
Từ đầu năm 2025, 7/36 ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất; 3 ngân hàng giảm lãi suất và 2 ngân hàng đồng thời tăng - giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.
Một số ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất, cộng thêm lãi suất hoặc tính lãi suất theo ngày để thu hút khách gửi tiết kiệm.
Eximbank tăng mạnh lãi suất 0,9 điểm % với kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy và online, lên mức 5,2% và 5,4%/năm. Các kỳ hạn từ 12-36 tháng online cũng tăng mạnh 0,4 - 1 điểm %, lên mức 5,6%-6,6%/năm. Hiện mức lãi cao nhất ở ngân hàng này là 6,6%/năm kỳ hạn 24-36 tháng online, cũng là mức cao nhất hệ thống với số tiền dưới 200 tỷ đồng.
BVBank tăng 0,32 điểm % kỳ hạn 36 tháng tại quầy, lên mức 6,32%/năm. Các kỳ hạn từ 15-24 tháng online tại ngân hàng này hiện được niêm yết mức lãi suất cao trong hệ thống là 6,25-6,45%/năm.
Các ngân hàng đang tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay được đặt mục tiêu vào khoảng 16%.
Đề xuất tiếp tục miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2022/NĐ-CP về đề xuất tiếp tục miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện đến hết 28/2/2027.
Theo đó, tại dự thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 Điều 8 Nghị định 10/2022/NĐ-CP ngày 15 về mức thu lệ phí trước bạ với ô tô điện như sau:
Đối với ôtô điện chạy pin, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến hết ngày 28/2/2027, lệ phí trước bạ lần đầu được áp dụng mức thu 0%.
Thị trường giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Trong báo cáo “Nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á” công bố hôm 17/2, Momentum Works cho biết, sau 2 năm tăng trưởng chậm lại ở mức 5%, lĩnh vực giao đồ ăn của Đông Nam Á bứt tốc vào năm 2024, với mức tăng trưởng 13% lên 19,3 tỷ đô la.
Thị trường Việt Nam và Indonesia thúc đẩy phần lớn sự phục hồi tăng trưởng này, trong khi các thị trường khác trong khu vực cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số hoặc gần hai chữ số.
Theo báo cáo, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất khu vực ở mức 26%, trong đó, ShopeeFood và Grab đang hình thành thế độc quyền. Cụ thể, tổng giá trị đơn hàng giao đồ ăn tại Việt Nam đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024, từ mức 1,4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.
Indonesia đứng thứ 2 với mức tăng trưởng 18%, nhờ vào nỗ lực mở rộng mạnh mẽ của Grab, Gojek và ShopeeFood.