Ngân hàng không ngừng tăng lãi suất tiền gửi
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 tăng 4,55% so với cuối năm 2023.
Những số liệu trên được xem là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng. Tuy nhiên, việc này không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn.
Giá vàng giảm nửa triệu đồng mỗi lượng
Giá vàng thế giới trong ngày 2/12 giao ngay ở mức 2.637,7 USD/ounce, giảm 12,6 USD/ounce so với đầu phiên trước đó.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 82,8 - 85,3 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng cả hai chiều so với mở cửa phiên giao dịch cuối tuần qua.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại DOJI hiện được niêm yết ở mức 82,9 - 83,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 600.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với đầu giờ sáng qua.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC, giá vàng nhẫn được công bố ở mức 82,5 - 84,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm lần lượt 300.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên cuối tuần qua.
Thu ngân sách Nhà nước đã vượt 6,3% dự toán năm 2024
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 11 tháng năm 2024, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023.
Trong tổng số thu nêu trên, thu nội địa ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2023; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 105,9% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số PMI tháng 11/2024 đạt 50,8 điểm
Báo cáo của S&P Global ghi nhận ngành sản xuất Việt Nam vẫn tăng trưởng trong tháng 11, nhưng các điều kiện kinh doanh tổng thể cải thiện ở mức độ thấp hơn so với tháng 10. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại, và số lượng đơn hàng đã phải chịu ảnh hưởng của sự yếu kém của hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, việc làm tiếp tục giảm trong nỗ lực cắt giảm chi phí, từ đó dẫn đến lượng công việc chưa thực hiện tiếp tục tăng.
Chi phí đầu vào tăng, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn, khiến giá cả đầu ra tăng nhẹ.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam vẫn nằm trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 11, từ đó cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp sau khi suy giảm do cơ bão Yagi trong tháng 9. Tuy nhiên, kết quả 50,8 điểm là giảm so với 51,2 điểm của tháng 10, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất chỉ mạnh lên ở mức khiêm tốn.
Việt Nam xếp hạng 45 về năng lực công nghệ thông tin và truyền thông
Chỉ số Sẵn sàng Mạng 2024 xếp hạng 133 nền kinh tế chiếm 95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Bảng xếp hạng được thực hiện bởi Viện Portulans và Trường Kinh doanh Saïd tại Đại học Oxford, đánh giá năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại các quốc gia. Trong năm thứ 3 liên tiếp, Mỹ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu, trong khi Singapore bám sát phía sau.
Bảng xếp hạng năm nay của NRI có tiêu đề “Xây dựng ngày mai kỹ thuật số: Đầu tư công tư và hợp tác toàn cầu về sự sẵn sàng kỹ thuật số”, đánh giá các nền kinh tế dựa trên sự sẵn sàng và hiệu suất trong lĩnh vực ICT, với 4 trụ cột chính, bao gồm công nghệ, con người, quản trị và tác động.
Theo đó, Việt Nam đạt điểm tổng thể 54,96 điểm cho 4 tiêu chính, trong đó điểm công nghệ là 49,27 điểm, điểm con người là 47,97 điểm, điểm quản trị là 58,03 điểm và điểm tác động là 64,58 điểm. Với thứ hạng 47, trong nhóm 32 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về chỉ số NRI. Trong khi đó Ấn Độ xếp thứ 2 với thứ hạng 49 trên bảng xếp hạng chung và xếp thứ 3 là Philippines với thứ hạng 63 trên bảng xếp hạng chung.