Đào Nhật Tân tăng giá mạnh
Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, năm nay, sản lượng của làng đào Nhật Tân, nơi trồng đào lâu năm và có tiếng bậc nhất miền Bắc giảm mạnh. Số lượng đào Tết giảm đáng kể, đặc biệt là những vườn đào quý, khiến giá tăng. Đào Nhật Tân loại nhỏ, nhiều nụ có giá từ 200.000 - 350.000 đồng/cành.
Các thương lái và người tiêu dùng đã bắt đầu tìm mua từ sớm, do lo ngại không đủ hàng để phục vụ nhu cầu Tết. Nhiều chủ vườn đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, do sản lượng giảm, giá tăng nên họ chỉ bán lẻ đào Tết, không bán buôn.
Giá vàng thế giới tăng mạnh
Giá vàng thế giới hôm nay giao ngay neo ở mức tăng 17,8 USD so kết phiên hôm trước lên mức 2.770,6 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết ở mức 86,9 - 88,9 triệu đồng/lượng bán ra (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm trước.
Giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng nhẫn tròn trơn là 86,6 – 88,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) giữ nguyên chiều mua và tăng 10.000 đồng/lượng chiều bán.
Gần 180.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2025
Báo cáo mới công bố từ MBS Research, tính đến hết tháng 12/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 205.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 69% giá trị chậm trả.
"Ước tính khoảng 177.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2025, tăng 9% so với năm 2024", MBS Research dự báo.
Đáng chú ý, việc Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, sẽ dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn kể từ quý II/2025. Theo đó, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng dần và đạt đỉnh vào quý III/2025 với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên tới khoảng 70.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.
Hà Nội bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Tết
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thành phố đã thực hiện hiệu quả các kế hoạch để phục vụ nhân dân trên địa bàn đón Tết an toàn, tiết kiệm, lành mạnh.
Theo đó, thời điểm sắp diễn ra Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hoạt động kinh doanh, sản xuất diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân có xu hướng tăng; giá cả của các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua tăng nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.
Căn cứ vào dự báo về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, UBND thành phố đã có chỉ đạo và định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Đến nay, các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng tăng trung bình từ 5 - 20% theo từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tăng cường 30 - 35% hàng hóa tại các điểm bán, sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85 - 90%); lượng hàng hóa luân chuyển về các chợ đã tăng 15 - 20% so với ngày thường.
Sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 150.000 khách trong ngày 24/1
Trong ngày hôm nay (25/1), sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) phục vụ 1.002 chuyến bay với hơn 150.000 lượt khách. Đây là ngày có lượng khách cao nhất từ đầu cao điểm Tết Nguyên đán 2025. Số chuyến bay trong ngày đã vượt xa so với dự báo trước đó.
Lượng khách phần lớn là rời TP Hồ Chí Minh. Khung giờ rạng sáng (từ 3 giờ đến 5 giờ sáng) tập trung tại ga quốc nội đi rất đông. Đến gần 7 giờ sáng, tình hình tại sân bay Tân Sơn Nhất đã giảm nhiệt, lượng khách đến làm thủ tục hàng không ít hơn các khung giờ trước đó.
Dịp Tết năm nay, từ 14/1 đến 12/2 (15 Tháng Chạp đến 15 Tháng Giêng năm Ất Tỵ), sân bay dự kiến có 26.033 chuyến bay, với hơn 4 triệu hành khách. Trong đó, khách quốc tế có 1,5 triệu lượt khách và khách quốc nội hơn 2,5 triệu lượt khách.