Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế 6/12: tiền gửi ngân hàng kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng đồng loạt giảm mạnh; CPI tháng 11 tăng do giá điện, giá nhà và vật liệu; tiền gửi ngân hàng kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng … là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 6/12.

Tiền gửi ngân hàng kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng

Tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đã đạt hơn 14 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% với đầu năm, song tốc độ huy động vẫn chậm hơn so với tín dụng.

Tin tức kinh tế 6/12: tiền gửi ngân hàng kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng. Ảnh minh hoạ
Tin tức kinh tế 6/12: tiền gửi ngân hàng kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Số liệu trên vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong đó, tiền gửi của khu vực dân cư tăng 6,5% so với đầu năm, đạt 6,96 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của nhóm tổ chức kinh tế tăng 3,43%, đạt hơn 7,07 triệu tỷ đồng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 6/12 giao ngay ở mức 2.631,9 USD/ounce, giảm 18,3 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 82,5-85 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng so chốt phiên hôm trước.

Tương tự, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82,5 - 85 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua vào - bán ra) so chốt phiên hôm trước.

Giá vàng nhẫn SJC 9999 giao dịch ở mức 82,5 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm lần lượt 500.000 đồng và 700.000 đồng so kết phiên hôm qua.

CPI tháng 11 tăng do giá điện, giá nhà và vật liệu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 11 tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77%. Bình quân 11 tháng năm 224, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,7%.

Trong mức tăng 0,13% của CPI tháng 11/2024 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,4%

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/12, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2024 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.

Tính chung 11 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 710 tỷ USD trong 11 tháng

Tổng cục Thống kê cho biết, 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%.

Về xuất khẩu, 11 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.

Trong 11 tháng năm 2024 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).