Xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch gần 4 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,05 triệu tấn cà phê, trị giá 3,99 tỷ USD (giảm 12,5% về lượng nhưng tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 8/2024 đạt 5.260 USD/tấn (cao hơn 2.211 USD/tấn so với đầu năm 2024; cao hơn 2.206 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023).
Tính chung 8 tháng năm 2024, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.795 USD/tấn (cao hơn 1.332 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023).
Giá vàng bất ngờ tăng mạnh
Giá vàng thế giới trong ngày 13/9 giao ngay ở 2.558,65 USD/ounce, tăng 47,01 USD so với giá vàng ngày hôm qua. Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 13/9, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại DOJI đang được mua vào ở mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Bảo Tín Mạnh Hải niêm yết ở mức 77,93 – 79,08 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng mạnh 400.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 450.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Cục Hàng hải cấm doanh nghiệp lợi dụng bão, lũ tăng giá
Với mục đích nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển (dịch vụ cảng biển, hoa tiêu, lai dắt) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển nghiêm túc thực hiện quy định về kê khai và niêm yết giá theo quy định hiện hành.
Các cảng vụ hàng hải, chi cục hàng hải được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải trong việc tăng giá dịch vụ theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm và báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam.
Trái phiếu doanh nghiệp chậm trả chiếm 14,9% giá trị lưu hành
Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) công bố báo cáo tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 8/2024 với tổng giá trị mệnh giá trái phiếu công bố chậm trả gốc/lãi lần đầu là 450 tỷ đồng và đến từ một doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản.
Theo đó, tổng giá trị trái phiếu chậm trả lần đầu từ đầu năm tới nay là 12.700 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,9% trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành toàn thị trường.
Theo VIS Rating, xu hướng chậm trả đã giảm kể từ quý I. Thêm vào đó, tình hình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả đã được cải thiện. Trong tháng 8, 13 tổ chức đã thanh toán một phần hoặc toàn bộ dư nợ gốc trái phiếu chậm trả với tổng giá trị là 2.400 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng lên mức 20,8% nhờ sự cải thiện ở các nhóm ngành dịch vụ, năng lượng và bán lẻ.
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc vượt 130 tỷ USD
Những năm gần đây, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ảm đạm thì tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn là một trong những điểm sáng nổi bật. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 171,2 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,7 tỷ USD). Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc năm 2023 đạt 110,64 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm 2024 Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trọng điểm của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao. Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản, các doanh nghiệp đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như cao su, hạt tiêu, sắn…
8 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 130,78 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu từ thị trường này đều tăng. Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay có thể sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD.