Không lo thiếu hụt xăng dầu những tháng cuối năm
Theo tính toán của Bộ Công Thương, với nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu những tháng còn lại của năm 2024 đảm bảo đủ nguồn cung ứng xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Theo dự tính, những tháng cuối năm 2024, 2 nhà máy sản xuất ước đạt khoảng 8,28 triệu m3/tấn xăng dầu các loại; ước nhập khẩu khoảng 4,44 triệu m3 tấn xăng dầu. Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 12,72 triệu m3/tấn. Ước tiêu thụ các tháng cuối năm 2024 khoảng 11,5 triệu m3/tấn (bình quân khoảng gần 2,3 triệu m3/tấn/tháng), tồn kho từ 1,8-2 triệu tấn.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của 2 nhà máy, tình hình nhập khẩu xăng dầu của các thương nhân và tình hình tiêu thụ xăng dầu trong nước để có giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới.
Dự báo thu ngân sách khó khăn trong những tháng cuối năm
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, những khó khăn của tình hình kinh tế, sức tiêu thụ hàng hóa, nhất là thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi, lũ lụt đã và đang xảy ra tại hầu hết các tỉnh phía Bắc cho thấy nguồn thu ngân sách từ hoạt động XNK trong 4 tháng cuối năm của ngành Hải quan đối mặt với nhiều thách thức.
Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thực hiện, dự kiến làm giảm thu khoảng 18.000 tỷ đồng. Ngành Hải quan cũng thực hiện kỳ hoàn thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô, sẽ làm giảm tổng thu khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là những thách thức khá lớn đối với nhiệm vụ thu Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động XNK của ngành Hải quan.
Theo đó, nhằm bảo đảm công tác thu đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành quyết liệt triển khai chuyển đổi số, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi Ngân hàng Nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, đặc biệt là từ thương mại điện tử, để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; phấn đấu hoàn thành dự toán được giao ở mức cao nhất.
Xuất khẩu cà phê sau 8 tháng thu về 4 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đạt 76.214 tấn, trị giá 402,2 triệu USD, giảm 9,9% về lượng nhưng tăng mạnh 55,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,1 triệu tấn cà phê, thu về 4 tỷ USD. Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 12,1%, giá trị xuất khẩu vẫn tăng tới 35,6% so với cùng kỳ năm trước.Kim ngạch xuất khẩu cà phê sau 8 tháng đã gần bằng mức kỷ lục 4,2 tỷ USD đạt được trong cả năm ngoái. Trong tháng 8, giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã thiết lập mức kỷ lục mới là 5.278 USD/tấn, tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình quân 8 tháng năm 2024, giá xuất khẩu cà phê ghi nhận mức tăng 54,3%, lên mức bình quân 3.800 USD/tấn.
Giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 18/9 giao ngay ở ngưỡng 2.569,26 USD/ounce, giảm 13,2 USD so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 18/9, giá vàng SJC tại DOJI trong nước niêm yết ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại SJC niêm yết ở mức 77,98 – 79,18 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Nghiên cứu gói lãi suất 0 đồng cho người dân sau bão
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng hỗ trợ người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc cung cấp dòng vốn tín dụng đúng thời điểm sẽ góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp thiệt hại nặng nề như hiện nay, bên cạnh việc ngân hàng xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, các ngân hàng nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với doanh nghiệp với lãi suất 0% sẽ là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.