70 năm giải phóng Thủ đô

Tin tức kinh tế ngày 21/7/2024: lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng SJC tuần qua tăng vọt hơn 3 triệu đồng/lượng; lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng; xuất khẩu rau quả tăng mạnh ước đạt gần 4 tỷ USD… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 21/7.

Giá vàng SJC tuần qua tăng vọt hơn 3 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới trong ngày 21/7 giao ngay ở 2.398,5 USD/ounce, ổn định cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 20/7, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 78 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). So với cuối tuần trước, vàng miếng SJC ghi nhận đã tăng 2,52 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 3,02 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, sau khi duy trì mức bán ra ở mức 76,98 triệu đồng/lượng trong suốt 1,5 tháng vừa qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,50 – 80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Vàng nhẫn trong tuần giao dịch vừa qua ghi nhận vẫn tăng mạnh, cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giá vàng nhẫn 9999 được niêm yết ở mức 75,7 – 77,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) tăng 550.000 đồng/lượng so với tuần trước. Tương tự, Bảo Tín Minh Châu cũng ghi nhận tăng sau một tuần với mức tăng 250.000 mỗi lượng, hiện đang đứng ở mức 75,93 – 77,23 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Tại Tập đoàn DOJI vẫn đứng giá so với tuần trước khi duy trì giá vàng nhẫn ở mức 75,9 – 77,15 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng

Theo Ngân hàng UOB Việt Nam, từ đầu quý II, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu tăng. Đến giữa năm, lãi suất huy động từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5 - 1 điểm % ở các kỳ hạn khác nhau.

Tin tức kinh tế ngày 21/7/2024: lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 21/7/2024: lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ảnh minh hoạ.

Các chuyên gia tại đây dự báo mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong 6 tháng cuối năm vẫn có thể tăng thêm 0,25 - 0,75 điểm %, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn 1-12 tháng ở mức 3 - 6%/năm.

“Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4% và tỷ giá USD/VND có thể biến động 4-5% trong năm 2024” - ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ của Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích thêm 0,7-1 điểm % từ nay đến cuối năm, lên mức tương đương với vùng đáy trong giai đoạn Covid-19.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh ước đạt gần 4 tỷ USD

Các quốc gia lớn đẩy mạnh thu mua giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 3,8 tỷ USD trong 7 tháng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là số liệu mới nhất được tính toán từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dựa trên thông tin từ hải quan.

Trong 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, hầu hết đều tăng trưởng từ 15% đến 96%. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc với 164 triệu USD và Mỹ là hơn 157 triệu USD, lần lượt tăng 55% và 33%.

Nhu cầu điện toàn cầu đang tăng cao nhất trong 20 năm qua

Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu làm mát cao hơn trong bối cảnh nắng nóng, sự gia tăng nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu và điện khí hóa liên tục sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu lên một trong những tốc độ cao nhất trong 20 năm qua vào năm 2024 và 2025, theo cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Trong khi đó, báo cáo cập nhật giữa năm của IEA cho thấy nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 4% trên toàn cầu trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 2,5% của năm ngoái.

Mức tăng trưởng dự kiến trong năm nay sẽ cao nhất kể từ năm 2007, không bao gồm sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và Covid-19.

Xuất khẩu dệt may sang EU hồi phục nhẹ, 6 tháng thu về 1,9 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 16,52 tỷ USD, tăng 5,04% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu sang EU chiếm 11,54% trong tổng kim ngạch, đạt gần 1,91 tỷ USD, tăng 1,63%.

Xuất khẩu sang EU, một trong những thị trường tiêu thụ lớn bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang hồi phục, nhưng mức hồi phục chỉ là nhẹ. Năm ngoái, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU chịu nhiều ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, chỉ đạt 3,843 tỷ USD, giảm 14,1% so với năm 2022.